(Cadn.com.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa đưa ra nhận xét về thực trạng du lịch Việt Nam, trong đó có 6 vấn đề mà khách nước ngoài e ngại và những vấn đề này có thể cải thiện ngay mà không tốn nhiều tiền: tình trạng "làm giá", "chặt chém"; môi trường giao thông; tình trạng ăn xin và ăn cắp vặt; tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm; vấn đề vệ sinh môi trường du lịch; và đặc biệt là hiện tượng không thể hiện sự tôn trọng du khách.
Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch nói: "Tất cả những chuyện này, trừ vấn đề cải thiện môi trường giao thông phải đầu tư, xử lý rất cơ bản, thì các việc khác đều không cần nhiều tiền vẫn có thể giải quyết được. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi tại sao nhiều nơi không làm được, trong khi trên thực tế, có một số nơi đã làm tốt như Đà Nẵng, Hội An?".
Trong 6 vấn đề trên thì chỉ có vấn đề cải thiện môi trường giao thông phải đầu tư nhiều tiền, còn lại đa số liên quan đến thái độ, văn hóa kinh doanh, ứng xử của người Việt Nam. Phải chăng việc cải thiện môi trường giao thông và xây dựng văn hóa văn minh trong du lịch được Đà Nẵng triển khai, áp dụng có hiệu quả?
 |
Lãnh đạo ngành Du lịch Đà Nẵng tặng hoa cho du khách tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng. |
Có thể khẳng định, những năm gần đây, bộ mặt Đà Nẵng có nhiều thay đổi, công cuộc đô thị hóa đã diễn ra nhanh chóng, nhiều sự kiện văn hóa thể thao du lịch đã được tổ chức, không chỉ hạn hẹp trong không gian quốc gia mà đã vươn đến tầm quốc tế. Nhờ đó, Đà Nẵng trở thành một điểm đến hấp dẫn với rất nhiều du khách. Sự hấp dẫn đó không chỉ đến từ những ưu đãi của cảnh quan thiên nhiên với núi, biển, sông, không chỉ đến bởi những sự kiện lớn như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Cuộc thi dù bay quốc tế mà còn đến từ một môi trường xã hội lành mạnh, an ninh, trật tự tốt, và đặc biệt là con người hiền hòa thân thiện, sẵn sàng mở lòng ra với bạn bè gần xa.
Nhìn lại những sự kiện trong những năm qua diễn ra tại Đà Nẵng, đa số du khách khi đến Đà Nẵng đều có chung nhận xét, con người nơi đây chân chất, thân thiện với phong cách giao tiếp cởi mở, đang tạo nên những dấu ấn đẹp trong lòng bạn bè và du khách khi có dịp ghé qua thành phố biển quyến rũ này. Đó là việc trước, trong Cuộc thi trình diễn pháo hoa, Đà Nẵng thành lập các đội liên ngành kiểm tra các khách sạn, cơ sở lưu trú găm phòng, nâng giá; cơ sở kinh doanh chặt chém bị phạt nặng, buộc phải cam kết không được tăng giá vượt quá quy định…
Đó là các anh CSGT ứng xử với những lái xe từ địa phương khác khi vi phạm Luật giao thông, thay vì nghiêm khắc phạt tiền như tại một số nơi khác thì CSGT Đà Nẵng chỉ nhắc nhở cảnh cáo với lời giải thích thấu tình đạt lý. Đó là hình ảnh lãnh đạo CATP xuống tận các điểm nóng để xử lý ùn tắc giao thông; là qua một đêm lễ hội đường phố trở lại sạch đẹp như ban đầu; là các cơ sở kinh doanh, hộ dân dọc một số tuyến đường chính sẵn sàng "mở lòng" để người dân và du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh…
Chưa thể hài lòng với những thành quả hiện có, chính quyền thành phố, ngành Du lịch và người dân thành phố tiếp tục nỗ lực để tạo dựng thương hiệu cho riêng Đà Nẵng. Theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT & DL, để chuẩn bị họp HĐND sắp tới (tháng 7-2015), lãnh đạo thành phố "đặt hàng" Sở soạn thảo một Chuyên đề "Sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch" yếu tố hàng đầu của việc thúc đẩy và phát triển du lịch Đà Nẵng trong thời kỳ mới để HĐND thảo luận, cho ý kiến và đưa vào thực hiện.
 |
Xe ôm thân thiện, tính cước tự động vừa hạn chế việc trả giá vừa được du khách thích thú. |
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, kiêm Tổng giám đốc Furama cho rằng "Đà Nẵng đã xác định ngành du lịch là mũi nhọn phát triển thì không cần phải làm gì to lớn mà chúng ta phải quyết tâm làm tốt tình trạng "làm giá", "chặt chém"; tình trạng ăn xin và ăn cắp vặt; tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm; vấn đề vệ sinh môi trường du lịch; tôn trọng du khách… để với bất kỳ dịch vụ nào, ở đâu luôn có cách khiến du khách vui vẻ mở hầu bao chi tiêu chứ không phải chèo kéo, ép khách hoặc cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng chọn "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015" cùng với mục tiêu phấn đấu xây dựng "thành phố đáng sống" mà trong đó, một trong những tiêu chí quan trọng chính là vấn đề văn hóa - văn minh đô thị nên chăng ngành Du lịch cần có một bước đột phá táo bạo trong xây dựng văn hóa, văn minh trong du lịch".
Một lời mời chào lịch sự, "vui lòng khách đến vừa lòng khách đi", một cử chỉ giúp đỡ thân thiện, một lời xin lỗi, cảm ơn chân thành hay là việc bỏ thói quen nói thách- trả giá ở chợ… tuy là "chuyện nhỏ" nhưng lại có ý nghĩa to lớn khi để lại cho người phương xa những ấn tượng tốt đẹp khó phai về Đà Nẵng.
Xuân Đương