Sáng 28 - 2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam (CDC) tổ chức tiêm vaccine dịch vụ Hexaxim (vaccine 6 trong 1). Do vaccine này khan hiếm suốt thời gian qua nên rất nhiều phụ huynh từ các địa phương đã đến đây để đăng ký lấy số cho con mình. Lượng vaccine 6 trong 1 mà CDC Quảng Nam có được lần này lại quá chênh lệch so với nhu cầu của người dân. Cụ thể Quảng Nam chỉ có 400 liều trong khi nhu cầu người dân lại gấp 20 lần.

|
Lo lắng vì vaccine ComBe Five khiến trẻ sốt cao, nhiều phụ huynh chọn phương án tiêm vaccine dịch vụ. |
"Vỡ trận" vaccine 6 trong 1
Có mặt tại CDC mới thấy hết cảnh khổ sở khi đi tiêm phòng cho con. Dưới tiết trời nắng nóng hàng trăm người chen lấn để lấy được số trong khi cán bộ của CDC dù làm việc hết sức cũng không thể bình ổn đám đông đang nôn nóng được nhận số tiêm phòng. Trẻ em từ 1 tháng đến 12 tháng tuổi được bố mẹ bế trên tay cũng phải "tham gia" vào cảnh xô đẩy, chen lấn này. Được biết, vaccine 6 trong 1 phối hợp để tiêm phòng các loại bệnh: bạch hầu, ho gà vô bào, uốn ván, viêm gan B, bại liệt bất hoại và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzae type B (HiB), nhất là viêm màng não mủ. Theo các phụ huynh cho biết loại vaccine 6 trong 1 này được ghi nhận là an toàn hơn, ít gây phản ứng phụ như sốt, co giật vì vậy dù đắt tiền tới gần 1 triệu đồng/ mũi họ vẫn cố gắng tìm cách cho con tiêm. Chị Liễu (trú H. Phú Ninh) cho biết chị vừa sinh con được hơn 2 tháng nhưng vẫn bắt taxi từ Phú Ninh ra TP Tam Kỳ từ 4 giờ sáng để tranh thủ suất tiêm cho con mình. "Sau 2 mũi đầu tiên là uốn ván, sởi tôi lo lắng nhất là cháu đến tháng phải tiêm mũi 5 trong 1. Ở xóm nhà tôi nhiều cháu chích tại trạm y tế xã bị sốt cao quá, có cháu nhập viện cả tuần liền nên tôi sợ quá phải ra đây tiêm 6 trong 1 cho chắc".
Trong đám đông chen lấn tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh còn có cả các phụ huynh từ TP Đà Nẵng vào để lấy số cho con. "Rút kinh nghiệm từ những lần trước khi đưa con đi tiêm chủng, ở mũi tiêm cuối cùng của loại vaccine 6 trong 1 này tôi cùng chồng chủ động lên kế hoạch để không phải lâm vào cảnh chờ "dài cổ". Nghĩ vậy nên từ chiều hôm qua tôi và chồng về nhà ngoại ở TP Tam Kỳ để sáng nay đưa con đi tiêm cho kịp. Chuẩn bị vậy rồi mà vẫn phải đợi 2 tiếng đồng hồ mới tới lượt tiêm", chị Nguyễn Thị Hà (trú Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chia sẻ. Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết: "Tình trạng thiếu vaccine 6 trong 1 diễn ra ở hầu hết các địa phương. Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với các công ty cung ứng để có thể tiếp tục bổ sung nguồn vaccine 6 trong 1 phục vụ người dân. Hiện tại chúng tôi quy định 1 buổi chỉ tổ chức tiêm 50 - 70 liều và sẽ tổ chức tiêm liên tục trong vòng 3 ngày. Do khan hiếm nên tại Quảng Nam chỉ có CDC Quảng Nam mới có nguồn vaccine này. Hiện nay những người có điều kiện tiêm 6 trong 1 đều đổ về CDC. Chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm chủng vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng nếu chưa tiêm được vaccine 6 trong 1, mũi ComBe Five là miễn phí", ông Huỳnh Công Quang nói.

|
Không đợi được lịch tiêm trong ngày, nhiều người chen lấn để bốc số đợi. |
Cần hiểu đúng về vaccine ComBe Five
Nếu như tại CDC diễn ra tình cảnh chen lấn, giành giật vaccine 6 trong 1 thì tại các cơ sở y tế tuyến xã, phường lại ghi nhận sự bất an của rất nhiều phụ huynh khi đưa con đi tiêm vaccine 5 trong 1 ComBe Five. Bắt đầu từ tháng 12-2018, vaccine ComBe Five chính thức được triển khai trên quy mô toàn quốc. Sau tiêm đã có một số ca phản ứng, gây hoang mang cho các bậc cha mẹ về độ an toàn của loại vaccine này. Thậm chí ngày 27 - 2, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã phải ra thông báo ngừng tiêm phòng ComBe Five sau khi bé 2 tháng tuổi tử vong bất thường sau khi tiêm ComBe Five về. Tại Trạm Y tế trị trấn Hà Lam (H. Thăng Bình) chị Nguyễn Thị Mai Ly (29 tuổi) cho biết những ngày qua khi đọc báo thấy nhiều ca bị sốc phản vệ, sốt cao, thậm chí tử vong sau khi tiêm vaccine ComBe Five khiến chị vô cùng bất an. "Tôi sinh bé đầu vào năm 2015, khi ấy vaccine 5 trong 1 Quinvaxem cũng mới đưa vào tiêm phòng và cũng xảy ra tình trạng trẻ bị sốt, tử vong vì sốc phản vệ. Khi ấy tôi cũng rất lo lắng nhưng lúc ấy các vụ việc xảy ra rải rác. Còn hiện nay vaccine ComBe Five mới đưa vào sử dụng đã có nhiều vấn đề, trẻ tử vong chưa có nguyên nhân nên tôi rất hoang mang, thậm chí bạn bè tôi còn không cho con đi tiêm phòng". Mặc dù lo lắng nhưng chị Ly vẫn cho bé thứ 2 (sinh vào tháng 12 -2018) đi tiêm phòng vì không muốn con mình bị lỡ mũi tiêm. "Dẫn con đi tiêm phòng mà tôi trằn trọc cả đêm vì lo, chồng tôi dặn là nếu con có biểu hiện gì phải vào viện ngay", chị Ly bất an.
Không chỉ chị Ly mà hiện nay nỗi bất an về vaccine ComBe Five diễn ra trên cả nước dẫn đến tình trạng người dân đổ xô đi tiêm vaccine dịch vụ 6 trong 1 hoặc bỏ không tiêm phòng. Trước thực tế đó, tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng do Bộ Y tế tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải, tiêm chủng là cách chúng ta đưa một lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh có khả năng kích thích cơ thể, gây ra lượng kháng thể để chống lại bệnh tật. Trẻ đã được tiêm chủng khi gặp virus sẽ có sẵn kháng thể để chống lại bệnh tật. Nếu trẻ tiêm chủng mà không có các phản ứng sốt thì không tốt. Như vậy có nghĩa kháng nguyên hoạt động không tốt, không sinh ra đủ kháng thể để chống lại bệnh tật. Trẻ càng khỏe mạnh, bụ bẫm có thể càng gặp sốt cao sau tiêm chủng. Bộ trưởng khẳng định phản ứng sau tiêm vaccine ComBe Five vẫn nằm trong giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo. Vì vậy người dân không nên vì quá lo lắng mà không cho trẻ đi tiêm phòng.
Đồng Dao