(Cadn.com.vn) - Năm 2015 chứng kiến buổi bình minh của công nghệ chỉnh sửa gen, sự nổi lên của liệu pháp miễn dịch và các gợi ý đầu tiên về loại thuốc có thể làm chậm tốc độ của bệnh mất trí nhớ Alzheimer.
Chỉnh sửa gen
Layla Richards là em bé đánh dấu kỷ nguyên mới của y học. Vào ngày trước ngày sinh nhật đầu tiên, cha mẹ Layla được thông báo, tất cả các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu của cô đều thất bại và cô bé sẽ chết. Cuối cùng, gia đình, các bác sĩ và một Cty công nghệ sinh học đã quyết tâm thực hiện một liệu pháp thực nghiệm mà trước đó chỉ mới được thử nghiệm ở chuột. Cách điều trị “Phép lạ” này đã cứu sống Layla. Đó là một lọ nhỏ chứa đầy các tế bào miễn dịch biến đổi gen đã được sử dụng để tiêu diệt căn bệnh ung thư của cô bé. Phương pháp này làm dấy lên triển vọng về việc điều trị loạt các bệnh di truyền.
Trong khi đó, vào đầu năm nay, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Sun Yat-sen ở Quảng Đông, Trung Quốc tuyên bố là người đầu tiên chỉnh sửa thành công bộ gen của phôi người. Bước đột phá này chỉ ra rằng, các sai sót trong ADN dẫn đến chứng rối loạn máu, có thể được sửa chữa thành công trong phôi.
Tuy nhiên, các kỹ thuật này vấp phải câu hỏi về vấn đề đạo đức. Các nhà khoa học hàng đầu thế giới cho rằng, sẽ “vô trách nhiệm” khi cho phép tạo ra con người biến đổi gen, dù những nghiên cứu cơ bản liên quan đến chỉnh sửa gen trong phôi nên được tiếp tục.
Đánh bại ung thư?
Nghiên cứu y học về ung thư đạt đến đỉnh của một cuộc cách mạng sau khi một trong những lĩnh vực hứa hẹn nhất - liệu pháp miễn dịch - cuối cùng đã bước vào giai đoạn cuối. Nếu bạn bị cúm, hệ thống miễn dịch sẽ tìm và tiêu diệt virus. Nhưng các khối u có thể mạo nhận là các mô bình thường, khỏe mạnh, để tránh bị tấn công. Liệu pháp miễn dịch khiến các tế bào ung thư không thể ẩn nấp và phải phơi bày trước hệ thống miễn dịch. Báo cáo cho thấy, số bệnh nhân ung thư phổi sống sót đã tăng gấp đôi nếu tiến hành cách tiếp cận như vậy.

|
Layla Richards, em bé thoát khỏi căn bệnh ung thư máu nhờ chỉnh sửa gen. Ảnh: BBC |
Em bé đông lạnh đầu tiên
Một phụ nữ 27 tuổi ở Bỉ là người đầu tiên trên thế giới sinh con bằng cách sử dụng mô buồng trứng đông lạnh khi cô vẫn còn là một đứa trẻ. Người phụ nữ này phẫu thuật buồng trứng trước khi điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. 10 năm sau đó, cô quyết định có con, vì vậy các bác sĩ ghép 4 mảnh vỡ buồng trứng được rã đông vào buồng trứng còn lại của cô và 11 mảnh vỡ vào các bộ phận khác trong cơ thể. Cô đã sinh một bé trai. Nam giới cũng có thể thực hiện đông lạnh tinh trùng trước khi điều trị những căn bệnh tương tự, nhưng phải được tiến hành ở các bé trai trước tuổi dậy thì.
Khuôn mặt triệu đô
Hồi tháng 8, các bác sĩ phẫu thuật Mỹ tiến hành cấy ghép khuôn mặt lớn nhất thế giới cho đến nay, bao gồm toàn bộ da đầu, tai và mắt. Họ mất 26 giờ để tạo cho người lính cứu hỏa Patrick Hardison, 41 tuổi, một khuôn mặt mới. Ông Hardison, bị thương trong một vụ cháy nhà khi ông cố gắng cứu một phụ nữ, bị bỏng toàn bộ khuôn mặt và da đầu. Ông mất hơn một năm để tìm người giúp đỡ - phải là người có có làn da sáng và mái tóc sáng. Cuối cùng, David Rodebaugh, 26 tuổi, người từng bị thương trong một tai nạn xe đạp, đã giúp Hardison.
Giải pháp cho bệnh Alzheimer
Những nghiên cứu đầu tiên về một loại thuốc có thể làm chậm tốc độ suy giảm não ở bệnh nhân Alzheimer giai đoạn đầu được tiến hành trong năm nay. Cty dược phẩm Eli Lilly tuyên bố Solanezumab có thể giảm 1/3 tỷ lệ tiến triển của chứng mất trí. Hiện nay, cái chết của các tế bào não trong bệnh Alzheimer là không thể ngăn cản, song Solanezumab có thể giữ cho chúng sống bằng cách tấn công các protein bị biến dạng, được gọi là amyloid, tích tụ trong não của bệnh nhân. Mọi người đang hy vọng kết quả của cuộc thử nghiệm đầy đủ trong năm tới về phát hiện mới này.
An Bình
(Theo BBC)