Ngày 12-1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – Chi nhánh Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Tham dự hội nghị này có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các tổ chức tín dụng (TCTD), tài chính trên địa bàn TP.

|
Hoạt động ngành Ngân hàng TP Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018. |
Tăng trưởng ấn tượng
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN – Chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ: “Trong năm qua, dưới sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của NHNN và lãnh đạo TP Đà Nẵng, ngành Ngân hàng TP Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng bám sát các chỉ tiêu, giải pháp và nhiệm vụ đã đề ra. NHNN - Chi nhánh Đà Nẵng cũng đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tài chính, ngân hàng thương mại trên địa bàn TP triển khai tích cực các giải pháp nhằm hướng dòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế”.
Năm qua, NHNN – Chi nhánh Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn TP tăng cường công tác huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đến cuối năm 2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn khoảng 125.994 tỷ đồng, tăng 9,92% so với cuối năm 2017, trong đó, có 36/57 TCTD có nguồn vốn huy động tăng so với cuối năm 2017; tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt khoảng 149.080 tỷ đồng, tăng 25,84% so với năm 2017...
Đánh giá về hoạt động của ngành Ngân hàng TP Đà Nẵng trong năm 2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã hoan nghênh những kết quả đạt được của ngành Ngân hàng Đà Nẵng, góp phần tích cực vào kết quả tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng đạt 7,86%. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên: trong năm qua, ngành Ngân hàng TP đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc triển khai có hiệu quả các giải pháp đưa vốn đến tận tay doanh nghiệp, giúp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý là cùng với tăng trưởng tín dụng chung khá tích cực, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Để đạt kết quả đó, NHNN - Chi nhánh Đà Nẵng đã quyết liệt chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tích cực rà soát, xử lý nhanh và dứt điểm các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42; đồng thời, triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh mới. Cơ cấu tín dụng cũng được cải thiện theo hướng giảm ở những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đến ngày 31-12-2018, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỷ lệ 5,27%, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ lệ còn thấp hơn chỉ 0,06%. Như vậy, ngành Ngân hàng Đà Nẵng đảm bảo mục tiêu mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả trong hoạt động đầu tư tín dụng. Đến cuối tháng 11-2018, nợ xấu trên địa bàn khoảng 2.401 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,64% trên tổng dư nợ.
Giữ vững hoạt động hỗ trợ vốn
Chỉ đạo về nhiệm vụ của ngành Ngân hàng TP Đà Nẵng trong năm 2019, Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị ngành Ngân hàng TP cần tiếp tục giữ vững hoạt động hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân; đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng giúp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn phát triển ổn định, không để phát sinh nợ xấu, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với NHNN – Chi nhánh Đà Nẵng, Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo NHNN - Chi nhánh Đà Nẵng cần đẩy mạnh công tác kết nối ngân hàng -doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhất là hoạt động giám sát từ xa; tập trung chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại nợ và xử lý nợ xấu, phải xem đây là hoạt động trọng tâm của năm 2019.
Thời gian qua, Đà Nẵng có tỷ lệ tín dụng tiêu dùng tăng trưởng cao, do đó, thời gian tới cần phải kiểm soát chất lượng để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của NHNN trong hoạt động cho vay; tuân thủ tuyệt đối những quy định của pháp luật đối với hoạt động ngân hàng. Có như thế mới đảm bảo an toàn hệ thống, đáp ứng nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
PHÚ NAM