Cuối tháng 10-2017, tôi nhận được một lời đề nghị từ Thành đoàn Hội An: Tham gia hỗ trợ APEC với vai trò là tình nguyện viên. Công việc của chúng tôi là hỗ trợ, hướng dẫn đoàn đại biểu thanh niên tham dự "Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC 2017" (APEC Voices of the future 2017, viết tắt là VOF 2017), gồm hơn 200 thành viên đại diện cho 21 nền kinh tế APEC.

|
Lãnh đạo TP Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự "Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC 2017". |
APEC và… nước lũ
Thời điểm ấy, cuối tháng 10, đầu tháng 11-2017, Quảng Nam đối mặt với trận lũ lớn nhất trong nhiều năm, mực nước trên báo động III. Phố cổ Hội An ngập trong nước. Tất cả 15 tình nguyện viên APEC chúng tôi đều đang sinh sống, học tập hoặc làm việc ở đây. Một tình huống hy hữu xảy ra: Các tình nguyện viên vừa ra sức lĩnh hội, trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, tìm hiểu thêm các nền văn hóa nước bạn, vừa phải "chiến đấu" với lũ. Ngoài những kỹ năng và kiến thức có sẵn, để chuẩn bị cho ngày làm việc 7-11, chúng tôi có hai buổi tập huấn tại Đại học Đà Nẵng. Lúc này, Đà Nẵng cũng mưa gió tầm tã. Mỗi buổi tập huấn, chúng tôi đều được đưa đón theo tiêu chuẩn. Ngồi trong xe, không ai trong chúng tôi tránh khỏi lo lắng. Nhưng cũng chính từ cửa kính ô-tô, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng xúc động: Bất chấp mưa gió, hàng trăm người dân Đà Nẵng vẫn tất bật dọn dẹp phố phường sẵn sàng đón chào APEC, có cả người già, phụ nữ, những em mười lăm, mười sáu tuổi...
6 giờ 30 sáng ngày 7-11, chúng tôi có mặt tại tiền sảnh Palm Garden Resort, Hội An chờ đón khách để bắt đầu hành trình của một ngày dài, dự kiến sẽ kéo dài đến 21 giờ. Anh Nguyễn Tự Lập (cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Nam) phát cho mỗi người một áo đồng phục, có in logo của VOF 2017. Thay áo xong, 15 người bỗng nhìn nhau phì cười, nhận ra cả nhóm giống hệt nhau, chiếc áo màu trắng viền xanh, nhưng quần thì mỗi người một kiểu. Trần Thị Kim Oanh, cô tình nguyện viên cao gầy nhất nhóm, hài hước: "May mà ghe phường vào hỗ trợ kịp thời, không thì giờ này em đang nằm co ro giữa bốn bề nước lũ rồi, nói chi đến chuyện mượn được bộ áo quần khô ráo như thế này!".
Nhà Kim Oanh ở P. Thanh Hà, Hội An, nơi nước từ hạ lưu sông Thu Bồn dâng lên dữ dội, hầu như không có phương tiện đi lại xung quanh. Thoát ra khỏi ngôi nhà bị nước lũ vây quanh, bao nhiêu áo quần ướt sạch, Kim Oanh phải đi mượn áo quần của bạn bè ở ngoài vùng lũ, áo của một người, váy của một người khác, thành một bộ tươm tất và lịch sự. Chuyện của Kim Oanh cũng là câu chuyện chung của nhiều tình nguyện viên khác, của Hoàng Oanh, Thu Phương... và các bạn có phòng trọ nằm trong vùng bị ngập nước. Bỏ lại tất cả khó khăn từ con nước lớn, buổi sáng hôm ấy vẫn tràn trề tiếng cười và ngập đầy năng lượng.
Hóa ra bản thân những chiếc áo đồng phục ấy cũng có một bí mật nhỏ. Đó là kiểu áo dùng chung cho cả đại biểu và tình nguyện viên. Những chiếc áo đồng phục không phân biệt đâu là đại biểu, đâu là tình nguyện viên hòa lẫn vào nhau, bắt đầu một chuyến hành trình không thể nào quên. Đó là sự tinh tế, ý nhị thật... xứng tầm APEC!

|
Tác giả (hàng sau, bên trái) cùng các đại biểu thanh niên APEC trải nghiệm làm lồng đèn ở phố cổ Hội An. |
Nhất định quay lại Hội An
Chuyến thăm làng trẻ em Hòa Bình và làng bích họa Tam Thanh kết thúc, đoàn quay về Hội An. Đúng kế hoạch, chúng tôi sẽ đưa đoàn đại biểu đi trải nghiệm làm lồng đèn ở các xưởng, sau đó đi tham quan phố cổ, các điểm di tích, cũng như thưởng thức các món ăn ngon tại địa phương. Nhưng lịch trình buộc phải cắt bỏ một nửa vì lý do bất khả kháng. Phố cổ Hội An lúc này vẫn chìm trong mênh mông biển nước. Các đại biểu chỉ có thể đi trải nghiệm làm lồng đèn ở hai xưởng nằm ngoài vùng lũ là Hà Linh và Lantana. Mặc dầu khá thích thú với những chiếc lồng đèn lấp lánh do chính tay mình tạo ra, nhưng kết thúc hành trình, vẫn thoáng chút tiếc nuối.
Bất ngờ, các đại biểu VOF 2017 đồng loạt có ý kiến: Không thể đến Hội An mà không tham quan phố cổ! Đêm sau hoặc đêm sau nữa, chỉ cần nước rút, nhất định quay lại Hội An. Quả nhiên, trời không phụ lòng người, hai ngày sau, nước bắt đầu rút. Lịch làm việc dày đặc gồm rất nhiều diễn đàn, hội nghị, gặp gỡ cũng không ngăn được đại biểu VOF 2017 quay lại Hội An. Khi ấy, con đường duy nhất ở phố đi bộ có thể chào đón họ là đường Trần Phú. Bước bên cạnh chúng tôi, những đại biểu trẻ say sưa ngắm nhìn một phần của phố cổ Hội An vừa trải qua trận lụt lớn, vẫn toát lên được nhịp sống và vẻ đẹp trầm mặc và kiêu hãnh thường ngày. Từ Chùa Cầu nhìn xuống sông Hoài, nước vẫn mênh mông trắng xóa, chợ đêm bên kia sông lác đác người qua lại. Đại biểu Indonesia, Kristi Ardiana tâm sự: "Hội An thật sự đẹp và độc đáo. Ngay cả khi đến thăm trong mưa và lũ lụt, tôi vẫn cảm thấy thành phố này đặc biệt như một câu chuyện kể".
Và chắc có lẽ, chính "câu chuyện" nào đó của Hội An mà Kristi Ardiana nhắc đến, một lần nữa đã níu chân rất nhiều đại biểu, quay lại thành phố này. Giống như câu chuyện về buổi chiều muộn hôm sau nữa, bất ngờ, Giáo sư Chutchaval (đại biểu Thái Lan) gửi cho tôi một bức ảnh những con thuyền vừa chụp được ở sông Hoài, dưới ánh hoàng hôn lấp lánh cùng với lời nhắn: "Tôi đang ở đây, thành phố tuyệt đẹp". Ông cùng rất nhiều đại biểu khác, đã tự tìm đến Hội An, trong khoảng thời gian ít ỏi có được trước khi Gala Dinner bế mạc APEC chính thức bắt đầu. Về sau, khi đã quay trở về nước, thi thoảng các đại biểu VOF 2017 vẫn gửi tin nhắn cho tôi, chia sẻ những cảm nhận về APEC Việt Nam 2017, bao gồm cả những cảm xúc có được với tình nguyện viên, và với Hội An xinh đẹp.
P.D