(Cadn.com.vn) - Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giúp dân phát triển đời sống kinh tế vùng biên giới, CBCS biên phòng Quảng Nam còn tích cực tham gia tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện Pháp lệnh Dân số, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới là nhiệm vụ đầy khó khăn của những người lính áo xanh.
Có đến nơi tận cùng biên giới Việt - Lào, trực tiếp chứng kiến những việc làm của CBCS biên phòng giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo mới thấy hết được tấm lòng, sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ nơi vùng cao biên giới. Như tâm sự của Trung tá Phan Văn Thí, Trưởng Đồn biên phòng Ra Ry (H. Tây Giang, Quảng Nam), xây dựng nếp sống, sinh hoạt mới... đó không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn là tình cảm gắn bó máu thịt giữa người lính biên phòng với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên giới. Bao đời qua, cuộc sống của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên dọc dãy Trường Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, đời sống vẫn chủ yếu dựa vào thiên nhiên. No hay đói cái bụng, sung sướng hay khổ cực đều phụ thuộc cả vào thời tiết. Mùa màng, hoa trái thu nhận đều từ rừng núi ban tặng. Phương thức lao động chặt, đốt, chọc, tỉa để trồng lúa rẫy, bắp, đậu... là lối canh tác truyền thống chủ yếu. Thế nhưng, từ khi có sự hiện diện của người chiến sĩ biên phòng, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số đã có cái ăn, cái để, đời sống kinh tế người dân bắt đầu trở nên khấm khá. Nhiều hủ tục lạc hậu như ma chay, người chết chôn chung, trẻ em chết theo mẹ, mê tín dị đoan...cũng được bà con loại bỏ dần. Thay vào đó là nếp sống văn hóa mới, tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn, tình đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó.
 |
Chăm sóc sức khỏe, xây dựng đời sống mới cho người dân vùng biên giới. |
Những đổi thay trong cuộc sống của người dân ở các vùng biên giới có được trong ngày một ngày hai mà đó là cả quá trình vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự trực tiếp tham gia góp sức của CBCS biên phòng. Chính trị viên Nguyễn Trí Tài - Đồn biên phòng Đăk pring-Đăk pree (H. Nam Giang, Quảng Nam) cho hay, ở huyện biên giới Nam Giang chủ yếu là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng (Ve, Tà Riềng, Dẻ) và Cà Tu sinh sống. Kinh tế thu nhập chủ yếu dựa vào nghề làm nương, rẫy, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là trong vấn đề sinh sản, kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nặng hủ tục. Nắm bắt được tình hình trên địa bàn, tích cực thực hiện chủ trương của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, CBCS biên phòng Đăk pring - Đăk pree đã triển khai thực hiện mô hình CLB này trong nhiều năm qua. Nhờ đó, nhận thức về sinh đẻ của người dân thay đổi. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn đã giảm hẳn, cuộc sống người dân ngày càng ổn định, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn biên giới.
Trong những lần đến với các đồn biên phòng theo dọc miền tây Trường Sơn, chúng tôi đều cảm nhận được một điều, đồn biên phòng nào cũng là trung tâm chính trị, văn hóa, y tế, giáo dục của địa bàn vùng đó. Có chuyện gì về an ninh, trật tự tại thôn bản, bà con thông báo ngay cho đồn. Bà con trong bản có người ốm đau, mắc bệnh cũng nhờ quân y đồn biên phòng khám chữa, cấp thuốc điều trị. Bà con thiếu ăn, đói chữ cũng nhờ đồn lo giúp... Đáp lại, hễ khi gia đình, thôn, bản, làng có chuyện vui đều mời CBCS đồn đến chung vui, chia sẻ. Chính những việc làm đó đã ngày càng tô thắm thêm nghĩa tình quân dân nơi vùng sâu biên giới.
 |
Bộ đội biên phòng giúp dân phát triển sản xuất bằng các mô hình kinh tế. |
Đại Khải