Kỳ cuối: "Lửa đỏ càng rõ tuổi vàng...".
(Cadn.com.vn) - Năm 1968, vụ án "Đặc công Việt Cộng" nằm vùng bị địch bắt được tại Chùa Lễ Nghĩa (Hội An), gây chấn động dư luận miền Nam lúc đó. Báo chí và đài phát thanh Sài Gòn liên tục đưa tin, ca ngợi Quân lực VNCH và lực lượng cảnh sát Quốc gia ngụy lập chiến công. Song...
S áng ngày 5-5-1968, cảnh sát, an ninh ngụy lột sạch quần áo trên người Đinh Văn Lời, rồi liên tục xả báng súng, dùi cui vào người anh, máu tràn ra mũi, miệng, khắp thân thể, khô lại chảy, chảy lại khô. Rồi chúng trói Lời vào cột điện tại ngã tư Lê Lợi-Phan Châu Trinh (Hội An) phơi nắng. Mật vụ thay nhau hỏi: "Mày cầm đầu tổ chức "đặc công Việt Cộng" phải không ?". "Báo đen" là ai, có phải mày không, hay thằng nào?", "Còn bao nhiêu tên Việt Cộng đang lẩn trốn trong thành phố?", "Mày khai ra sẽ được chính phủ khoan hồng"... Cứ thế, chúng vừa hỏi vừa đánh, Lời chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần.
Sau nhiều ngày khai thác, tra tấn dã man, mặt đối mặt với quân thù nhưng Đinh Văn Lời vẫn không một lời khai báo cơ sở cách mạng. Hàng nghìn mật vụ, công an, cảnh sát, an ninh quân đội... được điều từ Đà Nẵng vào Hội An để bảo vệ và tham gia phá án. Bọn địch bao vây dày đặc, còi báo thiết quân luật 24/24 giờ, chúng đào xới tung 5 ngôi nhà của ông Nguyễn Một và Nguyễn Ngọ (chú ruột ông Một), để tìm Việt Cộng, tài liệu, súng đạn...
 |
Ông Đinh Văn Lời (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu tại Hội nghị Chiến sĩ Thi đua toàn quốc năm 2004. |
Tài liệu của địch còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 (TPHCM) hiện nay thể hiện rõ nội dung quan trọng của vụ án. Ngày 3-7-1968, trung tá Tỉnh trưởng Quảng Nam Lê Trí Tín đã có công văn "tối khẩn- mật" gửi Văn phòng Phủ Thủ tướng, Tòa án quân sự vùng 1 chiến thuật về việc "Truy tố nội bọn cơ sở đặc công Việt Cộng tại Hội An, theo Sắc lệnh số...ngày...năm 1964 của Hội đồng quân nhân Cách mạng. Công văn nêu rõ trích ngang lý lịch và "tội trạng" của 34 "phần tử Việt Cộng", biên bản tịch thu các đồ vật thu được liên quan đến các "phần tử Việt Cộng" này, chờ sự phán quyết của Tòa án. Trong đó, Đinh Văn Lời được liệt vào danh sách là một trong những "phần tử cộm cán". Giữa năm 1968, tòa án quân sự Việt Nam Cộng hòa đã đưa vụ án ra xét xử. Cùng nhiều đồng chí khác, Đinh Văn Lời bị tuyên án 20 năm tù khổ sai. Bọn địch tiếp tục đưa Lời và đồng đội vào Nhà lao Hội An, rồi Khám Chí Hòa, Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn... giam cầm, tra tấn, hòng tìm người cầm đầu tổ chức "Việt Cộng" ở Hội An.
Tháng 10-1968, chúng đày Đinh Văn Lời cùng nhiều đồng chí khác ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, Đinh Văn Lời được Đảng ủy nhà lao phân công làm Bí thư Chi bộ, tổ chức cho anh em tù học chữ, học tập chính trị, đấu tranh chống chào cờ, chống đi làm khổ sai... Đinh Văn Lời làm đội trưởng lực lượng thanh niên chống địch đàn áp, vạch trần tội ác của bọn chúa đảo, cai ngục... Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari được ký kết, các tù nhân chính trị được trao trả về với Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Nhưng Đinh Văn Lời vẫn bị xếp vào danh sách các phần tử đặc biệt, tiếp tục bị nhốt ở chuồng cọp, bị đưa vào khu cấm cố, địch định thủ tiêu anh và nhiều đồng chí khác. Nhờ sự đấu tranh quyết liệt của đông đảo tù nhân, ngày 22-2-1974, Đinh Văn Lời mới được trao trả đợt cuối.
Nhớ lại những ngày gian lao ấy, ông Lời, giờ đã sắp bước vào tuổi 70, tâm sự: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức, lửa càng đỏ càng rõ tuổi vàng, có sống trong cảnh gian nan mới rạng danh người cộng sản". 17 tuổi, ông Lời đã được kết nạp vào Đảng, ra tù, về Trung ương cục Miền Nam và Khu ủy Khu 5, ông được phục hồi Đảng tịch và được vinh dự tuyển chọn vào lực lượng An ninh Khu 5. Từ năm 1974 đến năm 1976, ông Lời giữ chức vụ Thiếu úy, trung đội trưởng, Đại đội 34, Tiểu đoàn 10 An ninh Khu 5, trực tiếp bảo vệ đồng chí Võ Chí Công- Bí thư Khu ủy Khu 5 và đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ- Trưởng Ban tổ chức Khu ủy Khu 5. Tháng 3-1976, cơ quan Khu ủy giải thể, do gia đình quá khó khăn, ông Lời xin chuyển công tác về địa phương. Từ năm 1976 đến năm 1983, ông Lời tiếp tục làm Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng CAX Cẩm Nam, thị xã Hội An.
 |
Quang cảnh buổi gặp mặt kỷ niệm 53 năm Biệt động thành Hội An (1964-2017). |
Trở về địa phương, người Đội trưởng biệt động gan góc năm xưa, người tù Côn Đảo kiên trung, người cán bộ An ninh trung thành với Đảng, với nhân dân luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, không lùi bước trước mọi khó khăn. Với quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, năm 2001, từ một cơ sở sản xuất nhỏ, ông Lời thành lập Công ty TNHH sản xuất TM-DV Kim Bồng, doanh nghiệp của ông đã giải quyết nhiều việc làm cho người lao động và đối tượng chính sách. Sản phẩm của cơ sở được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ông mở trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề miễn phí cho hơn 200 người là con em gia đình chính sách, đồng chí đồng đội và người tàn tật và đóng góp, ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho địa phương, xây dựng 3 nhà tình nghĩa cho 3 Bà mẹ VNAH. Gần trọn cuộc đời tham gia cách mạng, ông Đinh Văn Lời được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen. Từng vinh dự cùng đoàn đại biểu Dũng sĩ miền Nam báo cáo thành tích với Bác Hồ, 4 lần dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc Cựu chiến binh Việt Nam, 5 lần dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, thương binh sản xuất giỏi, 2 lần dự Đại hội anh hùng Chiến sĩ Thi đua cấp Trung ương và tỉnh.
Đến dịp kỷ niệm 53 năm (1964-2017) ngày thành lập Đội biệt động thành Hội An năm xưa, điểm lại Đội biệt động nay 26 người còn sống, 12 người hy sinh, 21 thương binh, 22 người tuổi cao sức yếu đã mất. Trong hân hoan niềm vui chào mừng ngày giải phóng quê hương, trong họ vẫn còn đó những điều trăn trở... Sau vụ án "đặc công Việt Cộng" chấn động miền Nam 1968, ngoài các thành viên bị địch bắt, Đội biệt động thành Hội An dưới sự chỉ đạo của Thị ủy Hội An vẫn tiếp tục hoạt động, lập nhiều chiến công vang dội cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tháng 5-2015, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 đã triển khai đề tài nghiên cứu cấp Bộ "Lịch sử Biệt động và tổng kết hoạt động tác chiến biệt động trên địa bàn khu 5". Nhiều buổi tọa đàm với sự tham gia của các tướng lĩnh, Viện khoa học lịch sử quân sự Việt Nam đã đánh giá, đúc kết nhiều kinh nghiệm quý giá từ hoạt động của đội biệt động thành Hội An. Những thành tích của Đội Biệt động thành Hội An trong kháng chiến chống Mỹ xứng đáng để Đảng và Nhà nước có chế độ chính sách khen thưởng, phong tặng danh hiệu cao quý nhất cho tập thể đơn vị và cá nhân người Đội trưởng Đinh Văn Lời.
Hồng Thanh