Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã có hàng triệu gia đình hy sinh máu xương, hàng vạn người bị địch bắt bớ tù đày, tra tấn dã man, nhưng vẫn một lòng thủy chung son sắt, tin tưởng vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
 |
Ba thế hệ trong gia đình ông Lời đều là cựu tù chính trị. |
Nhân dịp trở về vùng đất K7 (Hội An), nay là P. Cẩm Nam (TP Hội An, Quảng Nam) theo chân ông Trần Trung Thọ - Đại tá quân đội về hưu, tôi đến gặp thân nhân của gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Hạnh, hiện cư trú tại khối Xuyên Trung (P. Cẩm Nam). Tiếp chúng tôi là ông Đinh Lời, thương binh 2/4. Ông Lời xúc động cho biết: Ông nội ông là ông Đinh Cầm (1904, ở thôn Nam Ngạn, Cẩm Nam), gia đình ông có 3 con đẻ là liệt sỹ, trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ ông là cơ sở hoạt động bí mật nuôi giấu cán bộ vùng địch kiểm soát, nhờ có nghề mộc nên ông đã nghĩ ra cách thiết kế ngôi nhà có hai vách phên để che mắt kẻ thù, mỗi khi cán bộ về hoạt động, nếu địch đi lùng sục sẽ kịp thời vào giữa phên ẩn náu an toàn, ban đêm ông Cầm và ông Trợ (là ông nội và cha của ông Lời) thường giả dạng là đi cào ốc, hến, chèo thuyền ra vùng giải phóng tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men và giao, nhận thư từ liên lạc cho cách mạng.
Cha ông là ông Đinh Trợ (1930), du kích thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sau khi luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm có hiệu lực, chúng tìm cha ông bắt bỏ bao bố thủ tiêu, nhưng may mắn lần đó cha ông được quần chúng bảo vệ và được một người Thôn trưởng của địch là ông Lê Văn Mới đứng ra bảo lãnh, nên ông thoát được án tử nhưng bị kết án ba năm khổ sai. Năm 1963, vừa ra tù cha ông lại tiếp tục tham gia hoạt động cơ sở bí mật tại Hội An.
Phát huy truyền thống của gia đình, năm 1964 khi mới 13 tuổi ông Đinh Lời tham gia hoạt động cách mạng trong lòng phố Hội (trung tâm Tỉnh lỵ Quảng Nam lúc bấy giờ), là một thiếu niên gan dạ, ông lập được nhiều thành tích xuất sắc, nên mới 17 tuổi ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam và được phân công giữ chức đội trưởng đội Biệt động thành Hội An. Những ký ức không thể nào quên trong tâm trí ông là nỗi niềm thương tiếc đồng đội và những người thân của ông đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông Lời kể trong nước mắt: Vào đêm mùng 7 tháng giêng tết Mậu thân năm 1968, quân ta tổ chức tấn công đồng loạt vào các cơ quan đầu não của Mỹ, Ngụy tại Hội An, ông nội và cha của ông, được tổ chức phân công làm nhiệm vụ dùng thuyền đưa đón cán bộ, bộ đội từ hậu cứ Nam Ngạn vượt sông Thu Bồn về thôn 1 Cẩm Nam, để tham gia chiến dịch tấn công giải phóng Hội An. Khi trận chiến kết thúc, ông nội và cha ông chèo thuyền đưa bộ đội trở về lại hậu cứ (Nam Ngạn), hoàn thành xong nhiệm vụ trên đường trở về nhà (khối Xuyên Trung, P. Cẩm Nam, Hội An) thì 2 ông Đinh Cầm và Đinh Trợ bị gián điệp chỉ điểm và bị bắt cùng một lúc. Bọn chúng tra tấn, đánh đập 2 ông hết sức dã man, cha ông bị đánh gãy 2 xương sườn và vỡ hai hàm răng, nhưng vẫn không một lời khai báo. Không khai thác được gì, chúng bắt giam 2 ông vào nhà lao Hội An, vì ông nội lớn tuổi nên bị giam cầm 2 năm, còn cha của ông Lời chỉ trong vòng 8 năm (1960 - 1968) mà đã phải 2 lần nhận 2 bản án, với tổng số 6 năm tù giam và khổ sai. Ngày 10-2-1968, sau khi ông nội và cha bị bắt, ông Lời cũng bị bắt thẩm vấn, nhưng không có chứng cứ nên phải thả ông.
Ba tháng sau, vào đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5-5-1968, nhận được lệnh của Thị ủy Hội An mở một đợt tấn công quy mô lớn vào các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn ở Hội An. Do kế hoạch bị lộ, địch tung lực lượng vây bắt. Nhân lúc địch chưa kịp ra tay, ông Đinh Lời đã cho phân tán lực lượng, cải trang thành lính Trung đoàn 51 quân đội Sài Gòn chuyển xuống chùa Lễ Nghĩa để chủ động đánh địch (đây là ngôi chùa Ngũ bang của người Hoa và có người trong lực lượng Biệt động thành làm nội tuyến). Sau 9 giờ chiến đấu không cân sức, để bảo toàn lực lượng, ông Lời quyết định cho tổ Biệt động thành mở đường "máu" trở về sơ sở, trên đường rút quân ông cùng 33 chiến sỹ Biệt động thành khác bị sa vào tay giặc.
Thời gian này cả 3 thế hệ trong một gia đình vào cùng chung một nhà tù của chính quyền Sài Gòn, nhưng cả ba người chưa một lần gặp mặt nhau. Ông Lời kể tiếp: Mỗi buổi sáng qua khe lỗ nhỏ của xà lim, nhìn thấy ông nội và cha đi làm tạp dịch, ông chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng mà chẳng dám lên tiếng gọi tên ông nội hay tên cha. Suốt hai tháng bị bắt, không một đòn thù nguy hiểm nào mà ông chưa từng nếm trải, khi thì chúng bỏ ông vào thùng phuy có nước đậy nắp, bên ngoài dùng gậy đánh vào thành cho ù tai, lúc thì bị bịt mũi đổ nước xà phòng, ớt vào miệng cho ngạt thở, thậm chí chúng còn dùng 2 múi dây điện dí vào đầu dương vật và lỗ tai cho điện giật, rồi bị đóng đinh vào 10 đầu ngón tay, treo ngược hai chân lên xà nhà, khiến ông chết đi sống lại nhiều lần. Nhưng rồi, chúng bất lực trước sự ngoan cường của người chiến sỹ Cộng sản trẻ tuổi, người đảng viên trung kiên, do đó chúng không cần đưa ra Tòa án xét xử mà xử kín trong phòng riêng tại Tòa Tỉnh trưởng Quảng Nam, (nay là Khách sạn Hội An) chúng kết án ông Lời 15 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo. Gần 6 năm giam cầm nơi "địa ngục trần gian", ông phải thường xuyên chống chọi với di chứng bệnh tật của những đòn khảo tra trước đó. Tuy vậy, ông vẫn được tổ chức trong nhà tù Côn Đảo phân công làm Bí thư Chi bộ, tổ chức cho anh em học chữ, học tập chính trị, đấu tranh chống chào cờ, làm lễ truy điệu Bác Hồ, chống đi làm khổ sai, đòi dân sinh, dân chủ, đòi thả tự do... Vì thế mãi đến ngày 22-2-1974 đợt cuối cùng theo Hiệp định Pari ông Lời mới được trao trả...
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng với sự hy sinh lớn lao của gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Hạnh, một gia đình có 3 thế hệ đều là cựu tù chính trị trong các nhà lao của địch thì không có gì bù đắp nổi, sẽ mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu mai sau và là bản hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.
MAI VIẾT TĂNG