Đêm Nhớ Trịnh ở Tam Kỳ
Sau 13 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về với cát bụi, năm 2014, trong buổi chiều gặp nhau ở cà-phê Trầm trên đường Lê Lợi, TP Tam Kỳ, tôi, Cẩm Phin và Đỗ Tấn Thảo, bỗng dưng mong ước có được một đêm nhạc "Nhớ Trịnh" tại nơi này. Nhưng nói thì dễ mà làm thì khó vì không có kinh phí. Nghĩ mãi, cuối cùng chúng tôi may mắn gặp Phạm Văn Hùng, Giám đốc Công ty xây dựng Sông Ngân và anh đã đồng cảm chia sẻ nỗi niềm với chúng tôi. Sau đó chúng tôi lại tiếp tục có thêm một sự chia sẻ nữa của Công ty in-quảng cáo Anh Quân. Nhờ vậy, ước mơ đêm nhạc "Nhớ Trịnh" đã trở thành hiện thực. Nhưng quả thật, sự thành công của việc làm ấy như nhiều người yêu nhạc Trịnh đến dự đã nhận xét và có lời động viên thì theo chúng tôi là ngoài sức tưởng tượng. Tôi được anh chị em văn nghệ sĩ cử tuyển là "trưởng ban tổ chức" và tôi hoàn thành trách nhiệm được giao. Trong đó công lao lớn nhất vẫn thuộc về những người bạn thân thương đã nhận lời đóng góp công sức, tài năng và trí tuệ như nhạc sĩ Lê Xuân Bá, Đài Phát Thanh - Truyền hình Quảng Nam, nhạc sĩ Lê Xuân Trúc giảng viên âm nhạc Đại học Quảng Nam, ca sĩ Khắc Vận, ca sĩ Thanh Côi, Trung tâm VHTT Quảng Nam, Cẩm Phin, giảng viên âm nhạc Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Quảng Nam, Hồng Hải giảng viên âm nhạc Đại học Quảng Nam, nhà thơ Nguyễn Đức Dũng, Hội VHNT Quảng Nam, Vũ Trầm người sưu tập ca khúc Trịnh, chủ quán cà- phê Trầm... Tôi thật sự tin tưởng và vui mừng khi tập hợp được một đội ngũ những người đầy tâm huyết, có chuyên môn và hết lòng với Trịnh Công Sơn như thế.

|
Chủ đề của một đêm nhớ Trịnh do nhóm bạn yêu nhạc Trịnh ở Tam Kỳ tổ chức. Ảnh: Huỳnh Trương Phát |
Thế là giữa không gian nhỏ nhắn mà chan chứa yêu thương của cái quán nhỏ - cà phê Trầm, lần đầu tiên, đêm "Nhớ Trịnh" tổ chức ở thành phố Tam Kỳ với 20 tiết mục. Ngoài ra chương trình còn ưu tiên đan xen 15 tiết mục của những người đến dự. Chính cách làm này tạo cho đêm nhạc "Nhớ Trịnh" có sức lan tỏa, thêm sâu nặng tình người. "Nhớ Trịnh", chúng tôi không chỉ hát. Đêm ấy nhà thơ Nguyễn Kim Thịnh, nhà thơ Nguyễn Đức Dũng còn đọc thơ của mình viết về Trịnh và hạnh phúc khi đã một lần gặp được Trịnh Công Sơn ở xứ Quảng; bạn Văn Hường đọc bài thơ của Trịnh có nhan đề: "Có một ngày như thế tôi đi"; Giọng hát của Cẩm Nhung (thành phố Hồ Chí Minh) để lại ấn tượng khó quên... Từ đó mỗi năm, đến ngày kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ, chúng tôi lại Nhớ Trịnh và hát nhạc Trịnh tại quán cà-phê Trầm-33 Lê Lợi - Tam Kỳ bằng sự cống hiến của nhiều anh chị em yêu quý Trịnh Công Sơn.
Gặp Khánh Ly trong đêm Trịnh
Trước năm 1975 tôi chỉ là cậu học trò mười tám đôi mươi, nhưng đã thích nghe giọng hát Khánh Ly qua radio với những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cũng chỉ thế thôi. Sau năm 1975 tôi lên rừng Trà My làm thợ, thỉnh thoảng nghe chị hát qua băng đĩa trong quán cà-phê hoặc qua máy thu thanh. Lúc rảnh rỗi hoặc đêm đêm tôi lại ngồi mài từng chút mực xạ rồi dùng bút lá tre chấm, kẻ lại nhạc Trịnh trên giấy roky cắt theo khổ của sách. Tôi cố gắng chép lại ca từ sao cho giống chữ của Trịnh. Trải qua thời gian với biết bao cuộc đổi dời mà tôi vẫn còn giữ được tập nhạc Trịnh do tự mình kẻ lại.
Cứ mỗi lần cùng nhau hát nhạc Trịnh, chúng tôi không thể không nhắc đến Khánh Ly. Ai cũng thầm mong ước một lần gặp Khánh Ly như là thần tượng. Với Khánh Ly thì dù chị đang ở nước ngoài nhưng năm nào cũng về Việt Nam hát nhạc Trịnh ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng... Thế nhưng chúng tôi thì không có điều kiện được gặp Khánh Ly. Thế rồi vào năm 2016, tôi lại gặp duyên khi biết chị lại về Đà Nẵng hát qua bài phỏng vấn của đồng nghiệp trên báo Công an TP Đà Nẵng. Tôi xin số điện thoại chị Khánh Ly qua đồng nghiệp. Cuối cùng tôi liên lạc được ca sĩ Quang Thành, trợ lý của chị. Quang Thành đồng ý báo lại cho chị để tôi được gặp chị vào 11 giờ trưa cùng ngày tại Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng, nơi chị đang chạy chương trình để tối diễn. Hôm ấy khoảng 9 giờ sáng, tôi tức tốc nhảy xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng, 11 giờ 30 tôi có mặt nơi đã hẹn. Dẫu có trễ nửa tiếng song vẫn kịp gặp chị vì lúc ấy chị mới đến.
Ca sĩ Quang Thành bảo tôi nên gặp chị luôn để trò chuyện, nếu không sẽ không trò chuyện được vì sau khi chạy xong chương trình là chị mệt. Lời đề nghị của ca sĩ Quang Thành chị cũng đồng ý. Chị không nề hà khi tôi mời chị ngồi trò chuyện ngay trên bậc cầu thang của Nhà hát Trưng Vương. Với chất giọng Bắc riêng biệt Khánh Ly không lẫn vào đâu được, chị cho biết về Đà Nẵng lần này không chỉ để hát mà còn đến thăm các chùa chiền, nhà thờ và làm từ thiện. "Chị có thể tâm sự đôi chút về tình cảm của chị với Trịnh được không?-tôi hỏi. Chị bảo: "Không. Không. Chúng tôi chỉ là anh em thôi". Khi tôi hỏi: "Người ta thường nói không có Trịnh Công Sơn thì không có Khánh Ly. Ngược lại không có Khánh Ly thì không có Trịnh Công Sơn, theo chị thì sao?". Khánh Ly khảng khái: "Không. Người ta nói kệ người ta. Không có Trịnh thì không có Ly là đúng rồi. Còn không có Ly thì vẫn có Trịnh bởi anh là một nhạc sĩ lớn"...

|
Tác giả và ca sĩ Khánh Ly trong đêm nhạc Trịnh ở Đà Nẵng. |
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi chị phải vào chạy tiếp chương trình. Tôi ngồi nán lại và thật sự thán phục trước tinh thần làm việc của chị với ê kíp. Không phải chỉ có ca sĩ trẻ đôi khi quên hoặc lẫn lộn ca từ mà chính chị, một ca sĩ tài năng, gạo cội cũng còn xảy ra chuyện ấy, chị phải xem "tài liệu" mới hát được thậm chí hát đi hát lại nhiều lần chị mới nhớ ca từ. Đặc biệt liveshow lần này chị có mời ca sĩ Tuấn Ngọc về cùng hát với chị một số ca khúc của Trịnh. Từng giọt mồ hôi chảy xuống gương mặt. Giọng hát U73 của chị vẫn khỏe khoắn. Mặc dù có điều hòa song chị vẫn phải sử dụng thêm máy quạt cầm tay ngay cả khi biểu diễn. Điều tôi ấn tượng nhất là chị không hát nhép như ta tưởng. Nếu không ngồi xem chị chạy chương trình thì khi xem chị hát chắc chắn là không thể tin chị làm được điều kỳ diệu đó. Vậy mới thấy Khánh Ly không hề xem thường khán, thính giả! Người Đà Nẵng đêm ấy, trong đó có tôi không thể không cảm thấy hạnh phúc khi từng hơi thở của Khánh Ly hòa quyện vào linh hồn của Trịnh làm nên một đêm mộng mị lạ thường được gọi thành tên Hạ trắng, Cát bụi, Diễm xưa, Chiếc lá thu phai, Nhìn những mùa thu đi, Ngẫu nhiên, Dấu tình sầu... Đêm ấy, cũng thật lâu lắm mới nghe lại những ca khúc da vàng rưng rưng một thời lửa đạn, chia ly...
Sau đêm diễn, dường như không ai muốn về. Từng hàng dài xếp nhau, đợi đến lượt mình ngồi gần chị để chụp hình lưu niệm trước sảnh Nhà hát Trưng Vương được Ban tổ chức chuẩn bị từ đầu. Thoáng thấy tôi chị cười và nói vui "cái ông này từ sáng tới giờ chụp hình tôi cả nghìn tấm rồi đấy". Ngoài trời cơn mưa thả xuống "mấy triệu hạt rồi, mà chưa vơi nỗi nhớ". Khánh Ly-chị đã cho tôi một nguồn cội khó quên!
Huỳnh Trương Phát