Thời gian qua, thông tin hợp nhất Đoàn ca kịch cùng với Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng vào Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam đang khiến nhiều người trong cuộc không khỏi hoang mang, lo lắng. Không chỉ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ mà rõ ràng trên thực tế, nhiều nét đẹp văn hóa, nghệ thuật truyền thống xứ Quảng đang đứng trước nguy cơ "chết yểu"... Bây giờ lại hợp nhất liệu nguy cơ này có trở thành sự thật?
 |
Trụ sở Đoàn ca kịch Quảng Nam. |
Có thể nói, với bề dày hoạt động, Đoàn ca kịch Quảng Nam từng ghi dấu ấn đậm nét không chỉ trong hoạt động biểu diễn mà còn góp phần bảo tồn, truyền bá những nghệ thuật văn hóa dân gian vốn đã mai một từ nhiều năm nay. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Đoàn ca kịch Quảng Nam vẫn nỗ lực duy trì những vở diễn, suất diễn cho bà con trong tỉnh và bảo tồn giá trị của dân ca kịch, bài chòi vốn đã mai một trong cộng đồng. Từ sau ngày tái lập tỉnh đến nay, Đoàn ca kịch Quảng Nam đã xây dựng hơn 20 chương trình biểu diễn nghệ thuật, 15 vở diễn, thực hiện hơn 1.000 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân trong tỉnh với gần 50% số buổi biểu diễn tại các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo, thu hút đông đảo người xem, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân. Đoàn ca kịch Quảng Nam còn được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trong những năm qua, Đoàn ca kịch Quảng Nam đã dựng nhiều vở diễn gây tiếng vang và nhận được nhiều giải thưởng, như "Biển và bờ" (giải B năm 2013 của Liên hiệp các Hội VHNT), "Một thời đất lửa" (Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần I và Giải thưởng Hội Sân khấu Việt Nam). Mới đây nhất, tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân Ca kịch toàn quốc năm 2018 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Đoàn ca kịch Quảng Nam đã đạt huy chương Vàng với vở diễn "Ký ức lửa".
 |
Vở diễn "Ký ức lửa" đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân Ca kịch toàn quốc năm 2018. |
Được biết, theo Nghị quyết 19-NQ/TƯ, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu của địa phương. Đối với các đơn vị nghệ thuật khác chuyển sang hình thức ngoài công lập. Đồng thời theo nghị quyết này, trung tâm văn hóa và đoàn nghệ thuật cấp tỉnh thành sẽ hợp nhất thành một đầu mối. Tuy nhiên, theo NSND Từ Minh Hiệp (Đoàn Ca kịch Quảng Nam) cho biết, công việc của các nghệ sĩ, diễn viên trong Đoàn ca kịch lâu nay rất đặc thù. Nếu quy Đoàn Ca kịch về một mối trực thuộc Trung tâm Văn hóa thì có sự đan chéo và nhập nhằng giữa phạm vi công việc cũng như con người. Nhiều khả năng chất lượng chuyên môn của vở diễn sẽ giảm. Đó là chưa kể tới những định hướng phát triển bài chòi thành Nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Quảng Nam sẽ chồng chéo với những công việc trong một tổ hợp của Trung tâm Văn hóa-bao gồm Đội Thông tin lưu động, Truyền thông - sự kiện... Như vậy, nếu sáp nhập thì Đoàn ca kịch rất khó đảm bảo duy trì những hoạt động văn hóa như hiện nay. Còn bà Võ Thị Thu Mây-Trưởng đoàn ca kịch Quảng Nam cho biết, hiện đoàn có 44 cán bộ nhân viên, trong đó có 1 NSND, 2 NSƯT. Đoàn ca kịch tỉnh Quảng Nam là đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, truyền thống, là linh hồn về mặt văn hóa của địa phương nên khi có thông tin sáp nhập, nhiều anh chị em nghệ sĩ rất lo lắng sẽ không còn phát huy được vai trò của mình cũng như "linh hồn" của các vở diễn. "Tất cả cán bộ nhân viên hiện nay ai cũng đều mong muốn đoàn được độc lập để hoạt động nghệ thuật. Thứ nhất là có thể duy trì truyền thống và bề dày lịch sử, thứ hai là tiếp tục cống hiến những vở diễn hay. Điều này nếu như đoàn chỉ còn là một Phòng nghệ thuật trong Trung tâm Văn hóa thì rất khó làm được", bà Mây khẳng định. Bà Mây cũng bày tỏ, là người làm nghệ thuật lại đứng trước nguy cơ mai một của nghệ thuật truyền thống ai cũng rất đau lòng và mong muốn được tạo điều kiện để cống hiến nhiều hơn cho khán giả. Trước đó, ông Võ Văn Viên-Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh cũng bày tỏ trong buổi lấy ý kiến về sắp xếp lại Sở VH-TT&DL về vấn đề này. Ông Viên cho rằng nên giữ lại Đoàn Ca kịch vì Quảng Nam là vùng đất có nhiều loại hình dân ca như bài chòi, hát tuồng. Trong đó bài chòi đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, nên cần được truyền nghề nhằm phát huy nhân rộng như các loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống khác.
Tương tự như chủ trương sáp nhập Đoàn ca kịch Quảng Nam thì việc sáp nhập Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam cũng còn nhiều điều phân vân. Hiện nay 2 rạp phim duy nhất được đầu tư ở TP Tam Kỳ và TP Hội An đang phải cầm cự suốt nhiều năm qua để có thể duy trì được hoạt động. Tuy nhiên ngoài việc thu không đủ chi, vấn đề khiến hoạt động chiếu phim tỉnh mãi loay hoay đó là không có hướng phát triển vì vướng cơ chế. Trước đó đã có nhiều giải pháp được đưa ra như liên kết với doanh nghiệp, xã hội hóa, hợp đồng với các cơ quan trên địa bàn thành phố đưa nhân viên đến rạp với mức giá ưu đãi hoặc tổ chức các tuần phim chuyên đề về đề tài chiến tranh cách mạng, biển đảo... nhằm duy trì hoạt động thường xuyên cho rạp. Tuy nhiên, những ý kiến này vẫn chỉ dừng lại ở lời nói mà chưa thực sự đi vào vận hành. Và các rạp không phải chỉ lo làm thế nào để có thể "đỏ đèn" hằng đêm mà phải "gồng mình" trả lương, giải quyết chế độ cho tổ chiếu phim, bởi doanh thu bán vé quá ít. Như vậy việc sáp nhập có thể giải quyết "phần ngọn" cho vấn đề hoạt động của trung tâm nhưng về lâu về dài liệu việc sáp nhập sẽ đi đến đâu, hiệu quả ra sao nếu như những người làm văn hóa không tính cách để có thể bảo tồn? Thiển nghĩ, việc sắp xếp, sáp nhập chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả trong công tác quản lý nhưng đối với những đơn vị có sự đặc thù như ngành văn hóa liệu có khả quan nhất là khi văn hóa đang ngày càng bị xâm lấn bởi những giá trị mới? Đó là câu hỏi đặt ra cho những người làm công tác quản lý hiện nay.
HÀ DUNG