Bóng đá châu Âu từ lâu được biết đến là nền công nghiệp hái ra tiền. Tuy nhiên, không phải đội bóng nào cũng giỏi làm giàu. Trong dịch bệnh, bóng đá bị “đóng băng”, các đội bóng cũng lộ rõ tiềm lực tài chính của mình.
 |
Các giải đấu châu Âu đã lần lượt trở lại giúp các đội bóng “vớt vát” tiền bản quyền truyền hình nhằm tránh phá sản. |
Trong tháng 5-2020, dịch bệnh không có dấu hiệu dừng lại tại Pháp nên Ligue 1 đã nối gót các giải vô địch quốc gia Bỉ và Hà Lan để đi đến quyết định hủy bỏ vì đại dịch Covid-19, kéo theo nhiều hệ lụy cho các đội bóng. Ngoại trừ đại gia lắm tiền nhiều của Paris Saint-Germain, những đại diện nước Pháp còn lại đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tài chính. Thống kê cho thấy, khi Ligue 1 hủy mùa giải, 17 đội bóng hiện đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nguyên nhân của việc này chính là vì thất thoát hoàn toàn tất cả các nguồn thu. Đầu tiên đến từ tiền bán vé xem trận đấu, con số gần như bằng không kể từ khi Chính phủ Pháp tiến hành giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, các đài đã từ chối thanh toán hoặc hủy hợp đồng bản quyền truyền hình mùa giải 2019-2020 của Ligue 1. Chính những điều này đã khiến Ligue 1 thiệt hại lên đến 250 triệu EUR tiền bản quyền truyền hình. Với việc không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả lương cho cầu thủ và nhân viên, nhiều CLB dần dà đứng trên bờ vực phá sản. Để hỗ trợ các đội bóng, ban tổ chức Ligue 1 đã buộc đi vay 200 triệu EUR từ Chính phủ Pháp giúp các đội bóng cầm cự qua mùa đại dịch Covid-19.
Không riêng gì Ligue 1, tại Đức, việc mùa giải 2019-2020 bị hoãn thời gian dài đã khiến 13/36 đội bóng chuyên nghiệp tại Bundesliga và Bundesliga 2 đứng trên bờ vực sụp đổ. Nỗi lo của các CLB tại hai giải đấu này cũng là chi vượt quá thu. May thay, đến nay các giải vô địch quốc gia Đức đã trở lại, dù không mở cửa đón khán giả nhưng các đội bóng vẫn “vớt vát” được phần nào từ tiền bản quyền truyền hình.
Ở thế cực trái ngược, nhiều CLB bóng đá châu Âu vẫn tỏ ra sống khỏe trong mùa dịch. Trong đó, khỏe nhất vẫn là Manchester United. Nguyên nhân bởi họ vẫn có nguồn thu ổn định từ các hợp đồng thương mại.
Trong nhiều năm qua, Manchester United không gặt hái được thành công như ý. Mặc dù vậy, họ vẫn là đội bóng có thương hiệu lớn. Quỷ đỏ luôn thu hút được những bản hợp đồng thương mại kếch xù. Bởi lẽ đó, Manchester United luôn có rất nhiều tiền để thực hiện các thương vụ chuyển nhượng “bom tấn” vào mỗi năm. Và dưới ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, trong khi nhiều CLB lớn như Barcelona, Juventus... lao đao và phải cắt giảm lương của các cầu thủ thì Manchester United vẫn gần như không bị thiệt hại gì. Ngay cả khi các CLB Premier League như Newcastle, Tottenham và Norwich đã tính tới chuyện cắt giảm lương của những nhân viên (không bao gồm các cầu thủ) và nhờ tới nguồn viện trợ của Chính phủ Anh thì Quỷ đỏ vẫn khẳng định không cắt giảm lương của đội ngũ lên đến 900 người.
Theo báo cáo tài chính mà Manchester United công bố vào tháng 7 năm ngoái, doanh thu từ các hợp đồng quảng cáo của Manchester United vào khoảng 173 triệu bảng trong tổng số 275 triệu bảng doanh thu từ các hoạt động thương mại. Trong khi đó, doanh thu của CLB từ hợp đồng truyền hình là 241 triệu bảng và 111 triệu bảng từ việc bán vé. Doanh thu thương mại của Manchester United nhiều hơn 50 triệu bảng so với Man City (đội bóng cũng sống khỏe giữa mùa dịch) và hơn 94 triệu bảng so với Liverpool. Thậm chí, theo ước tính của Daily Mail, doanh thu thương mại của Quỷ đỏ ở năm nay sẽ không hề kém so với năm ngoái. Hiện tại, Manchester United có 61 hợp đồng quảng cáo trên toàn thế giới. Trong đó lớn nhất là Chevrolet (64 triệu bảng), Kohler Co (20 triệu bảng), AON (15 triệu bảng) và Aeroflot (7 triệu bảng).
NGUYÊN KHANG