Năm 2020 có thể xem là năm “lịch sử” của bóng đá Việt. Vòng quay của trái bóng tròn đã phải hai lần đứng bánh, trật nhịp vì chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu như ở đợt dịch đầu tiên, những nhà làm bóng đá thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng các sân cỏ trên cả nước cũng dần ấm lên với tiếng reo hò, cổ vũ của hàng vạn khán giả, thì ở đợt dịch thứ hai, cơn đau đầu thật sự đã hiện hữu.
 |
AFF 2020 sẽ dời sang năm 2021. |
AFF Cup dời sang 2021 Ban Xử lý các tình huống khẩn cấp của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã xác định kế hoạch tổ chức AFF Suzuki Cup 2020 vào tháng 11 như dự kiến là không phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các quốc gia Đông Nam Á nên quyết định dời sang tổ chức vào tháng 4-2021. Chủ tịch AFF Khiev Sameth cho hay: “Đây là thời điểm khó khăn cho toàn thế giới, trong đó có các cộng đồng và gia đình bóng đá của chúng ta, tôi tin rằng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thử thách này với sự ủng hộ của người hâm mộ, các Liên đoàn thành viên, cầu thủ, HLV, quan chức, truyền thông và các đối tác. Chúng tôi cũng cảm ơn họ vì đã cùng đồng hành với chúng tôi trong cuộc chiến chống lại dịch”. |
V-League có nguy cơ “vỡ trận”
Ngày 26-7, trước sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã ra thông báo tạm dừng tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp để phòng tránh dịch. Nếu như ở đợt dịch trước, người hâm mộ, lãnh đạo các đội bóng và những đơn vị, tổ chức làm bóng đá lo lắng, hồi hộp một thì lần này những cảm giác ấy nhân lên gấp 10. Bởi lẽ, quỹ thời gian để V-League 2020 hoàn tất mùa giải đã bị rút ngắn xuống đáng kể. Theo lịch dự kiến, giải đấu bóng đá cao nhất Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 31-10 nhưng nếu V-League không kịp trở lại vào cuối tháng 8 để chấp nhận đá “dồn toa” thì mọi kế hoạch tan biến.
Trước những diễn biến xấu, nhiều câu lạc bộ đã lên tiếng muốn hủy giải đấu ngay ở vòng 11 và trao ngôi vô địch cho đội đầu bảng hiện tại là câu lạc bộ Sài Gòn. Trong số đó, hai câu lạc bộ “chịu khó” tác động hủy giải nhất là câu lạc bộ Quảng Nam và SLNA. Chủ tịch đội bóng xứ Quảng - ông Nguyễn Húp thậm chí thể hiện quan điểm rất quyết liệt khi liên tục trả lời báo chí về mong muốn hủy giải trao ngôi vương cho Sài Gòn và không có đội phải xuống hạng trong mùa giải năm nay. Ông Húp cho rằng, không thể cứ cố cầm cự chờ đợi trong khi diễn tiến của dịch bệnh ngày càng khó lường. Vị chủ tịch này cũng nhấn mạnh là không phải sợ rớt hạng khi đội bóng của ông đang ở nhóm “cầm đèn đỏ” mà đòi hủy giải, hơn hết sức khỏe của mọi người phải đặt lên hàng đầu.
 |
HLV Park Hang Seo phải “đau đầu” vì nhiều kế hoạch bị “phá sản” do V-League dừng thi đấu ở vòng 11. |
Cùng quan điểm với Quảng Nam, SLNA thậm chí đã gửi văn bản tới VPF và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với nội dung đề nghị cho kết thúc sớm V-League 2020. Trong văn bản gửi VFF và VPF, SLNA nhấn mạnh hai đề xuất. Thứ nhất, SLNA đề nghị kết thúc V-League 2020 tại vòng 11, trao chức vô địch cho đội đầu bảng Sài Gòn FC. Thứ hai, SLNA đề nghị không có suất xuống hạng. Thay vào đó, hai đội có thứ hạng cao nhất tại Giải hạng Nhất quốc gia sẽ lên chơi V-League 2021. Mùa giải sang năm sẽ có 16 đội bóng tham dự thay vì 14 như hiện tại. Cái lý câu lạc bộ xứ Nghệ đưa ra ngoài diễn biến xấu của dịch bệnh còn liên quan đến vấn đề chuyên môn. Dịch bệnh kéo dài khiến các đường bay quốc tế không thể mở, câu lạc bộ không thể ký kết những bản hợp đồng mới với các ngoại binh dẫn đến chất lượng đội hình và giải đấu giảm đáng kể.
Trước những kiến nghị của các đội bóng, VPF đã liên tục họp khẩn để bàn phương án tối ưu nhất. Theo Tổng Giám đốc VPF Trần Anh Tú, vẫn sẽ tổ chức V-League và giải hạng Nhất trong điều kiện cho phép trừ khi các cơ quan chức năng ra thông báo về việc không thể tổ chức giải. Mọi kế hoạch cho giải đấu sẽ phải chờ đợi theo diễn biến thực tế trong thời gian tới. “Bóng đá sống bằng tiền của nhà tài trợ. Các hợp đồng đã ký trên nguyên tắc phải được thực hiện. Nếu phá vỡ hợp đồng thì hậu quả dễ hiểu nhất là chúng ta không có tiền thì không làm gì được. Mà lúc ấy bị mất uy tín rồi thì sang năm liệu nhà tài trợ có tin tưởng mà tài trợ tiếp không?”, ông Tú nói.
 |
V-League 2020 đã phải dừng lần thứ hai do ảnh hưởng dịch bệnh. |
“Phá sản” kế hoạch của thầy Park
Lãnh đạo VPF cũng nhìn nhận: “Chưa kể về chuyên môn, giải vô địch quốc gia là nền tảng của đội tuyển, không diễn ra thì sao có đội tuyển tốt được. Trách nhiệm của chúng tôi là tổ chức được tốt V-League trong giai đoạn khó khăn này. Đó không chỉ là bóng đá mà còn gửi đi những thông điệp tích cực khác tới xã hội”.
Thực tế, việc các giải đấu trong nước bị hoãn đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch của HLV Park Hang Seo. Những ngày bóng lăn, ông thầy người Hàn Quốc và các cộng sự của mình đã “lăn lộn” khắp sân cỏ cả nước để tìm kiếm những “viên ngọc thô” bổ sung cho các cấp đội tuyển Việt Nam. Và, nhiều cầu thủ đã được đưa vào “tầm ngắm”. Tiếc là, khi giải đấu bỗng dưng dừng lại, kế hoạch tập trung cho các đội tuyển cũng không thể diễn ra theo kế hoạch vạch sẵn.
Theo dự kiến, đầu tháng 8, tuyển U23 đã phải tập trung để tập luyện hướng tới các giải đấu quan trọng song do diễn biến của dịch, kế hoạch này đã bị ảnh hưởng. Cùng với đó, ở cấp đội tuyển quốc gia, kế hoạch tập trung chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 cũng đã tác động lớn.
Việc V-League bị dừng cũng khiến cho thầy Park đau đầu với bài toán phong độ và thể lực của các cậu trò cưng. Nếu như diễn biến xấu nhất, V-League bị hủy, phong độ các cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì không thể ra sân thi đấu thường xuyên ở giai đoạn quan trọng nhất. Còn nếu giải đấu không bị hủy mà phải đá dồn toa để “kịp tiến độ” thì không chắc thể lực của các cầu thủ sẽ đảm bảo và chấn thương sẽ không xuất hiện.
Dù gì đi nữa, chắc chắn những nhà làm bóng đá Việt Nam cũng như HLV Park Hang Seo sẽ có những kế hoạch thay thế cho mọi tình huống, diễn biến xấu nhất. Song điều tiên quyết lúc này là chúng ta phải chiến thắng và hoàn toàn đẩy lùi được dịch bệnh.
THÀNH DANH