Trung Quốc nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD nợ của Mỹ, và trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại với Washington leo thang, người ta lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng khoản nợ đó theo cách mà từ lâu không ai có thể tưởng tượng.
 |
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang leo thang đáng lo ngại. Ảnh: CNN |
Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang làm nóng cả thế giới. Mối lo càng đè nặng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-10 lại cảnh báo sẽ có thêm nhiều biện pháp nữa mà ông có thể áp dụng để làm hại kinh tế Trung Quốc nghiêm trọng hơn. Tuyên bố này cho thấy, không hề có dấu hiệu Mỹ sẽ rút lui khỏi cuộc chiến thương mại đang leo thang với Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News, Tổng thống Trump cảnh báo: “Các biện pháp có hiệu quả lớn. Nền kinh tế của họ về cơ bản đã bị suy giảm và tôi có nhiều biện pháp hơn nữa để làm nếu tôi muốn làm điều đó. Tôi không muốn làm điều đó, nhưng Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán”. Tuy nhiên, ông Trump lưu ý, người Trung Quốc muốn đàm phán nhưng ông không tin họ đã sẵn sàng và ông cũng đã nói như vậy với họ. Ông Trump chỉ trích các tổng thống Mỹ trước đây đã cho phép Trung Quốc tiếp tục các thông lệ thương mại không công bằng và nhấn mạnh ông phải nói với Bắc Kinh rằng: “Điều đó đã kết thúc rồi”. Các diễn biến đang ngày càng nghiêm trọng khiến Ngân hàng Thế giới (WB) cũng phải chuẩn bị cho kịch bản căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng.
Lựa chọn “hạt nhân” là gì?
Trung Quốc nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD nợ của Mỹ, và trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại với Washington leo thang, người ta lo ngại, Bắc Kinh có thể lôi kéo sử dụng khoản nợ đó theo cách mà từ lâu không ai có thể tưởng tượng được. Nó thường được gọi là lựa chọn “hạt nhân”.
Thật ra, trong cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung, các nhà kinh tế và các nhà đầu tư từ lâu đã cố gắng “đánh bạc” với những cách mà cả hai bên có thể sử dụng từ sức mạnh nội tại của họ. Trong hầu như tất cả các dự đoán, ít nhất cho đến gần đây, họ đã xoay quanh một cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” về thuế. Ngay cả trong những kịch bản “tối hậu của ngày tận thế”, có một loại “vũ khí” từ lâu được coi là không thể tưởng tượng: người Trung Quốc, vốn đang nắm giữ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ với hơn 1.000 tỷ USD, công khai lùi một bước trong việc mua trái phiếu Kho bạc Mỹ - hay tệ hơn, bán phá giá những gì họ sở hữu trên thị trường mở.
Ý tưởng này rất thường được loại bỏ vì được xem là chỉ lãng phí thời gian và lý do quan trọng hơn hết là sẽ phá hủy niềm tin giữa hai bên. Sẽ cực kỳ phi lý khi trong các điều kiện kinh tế hiện nay, kịch bản này lại được tính toán đến.
“Bạn sợ ngân hàng, hay ngân hàng sợ bạn”?
Việc Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ sẽ khiến lãi suất tăng lên và gây tổn thương rất lớn cho Washington, nhưng nó sẽ đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng cho giá trị của cổ phiếu Kho bạc Trung Quốc.
Nhà công nghiệp nổi tiếng J. Paul Getty từng nói: “Nếu bạn nợ ngân hàng 100 USD, bạn sợ ngân hàng; nếu bạn nợ ngân hàng 100 triệu USD, ngân hàng sợ bạn”. Trong mối quan hệ giữa hai cường quốc này, Trung Quốc rõ ràng là ngân hàng. Nhưng sự khôn ngoan thông thường về những gì Trung Quốc có thể làm - hoặc không làm - có thể sai. Trung Quốc gần đây giảm nợ của chính phủ Mỹ, và ngày càng nhiều nhà tài chính, kinh tế và phân tích địa chính trị đang lặng lẽ nâng cao triển vọng rằng, Bắc Kinh có thể xem xét khả năng ảnh hưởng đến lãi suất khi Tổng thống Trump ra đòn cuối cùng.
Xét cho cùng, Trung Quốc không có bất kỳ hàng nhập khẩu nào của Mỹ để tiếp tục đánh thuế áp trả và họ đang nhắm vào các giao dịch, vậy còn lại là gì? Nếu muốn ra đòn “hạt nhân”, Trung Quốc sẽ làm như vậy vào một thời điểm kinh tế Mỹ đang rất nhạy cảm: Thâm hụt gia tăng làm tăng nhu cầu vay kho bạc; có nhiều khoản nợ phải được mua, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tăng lãi suất, khiến cho món nợ đó đắt hơn. Không rõ liệu đòn tấn công của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng như thế nào, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Và vấn đề lớn hơn nữa, đáng “đồng tiền bát gạo” hơn nữa là ván bài của Bắc Kinh không nhất thiết phải đảm bảo sức khỏe tài chính của nước này trong năm nay hay năm sau. Nếu Trung Quốc phải chịu đựng nỗi đau ngắn hạn để có được một lợi thế thực sự và lâu dài đối với Mỹ - hoặc ít nhất là không mất bất kỳ lợi thế nào sẵn có – Bắc Kinh có thể sẵn sàng đấu tranh mỗi ngày một chút. Kevin Warsh, cựu Thống đốc FED cho biết: “Việc đàm phán giữa hai cường quốc này không phải là bàn về việc sẽ mua bao nhiêu tấn đậu nành hoặc bao nhiêu máy bay Boeing vào cuối năm nay”.
“Chúng tôi đang ở thời điểm quan trọng trong lịch sử. Các hành động của chính phủ Mỹ và Trung Quốc trong 12 tháng tới sẽ định hướng quan hệ của hai cường quốc vĩ đại của thế kỷ XXI”, một chuyên gia nhận định. Và khẩu chiến sẽ trở nên gay gắt hơn.
Vẫn là câu hỏi mở
Tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cáo buộc Trung Quốc sử dụng “các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự, cũng như tuyên truyền, để nâng tầm ảnh hưởng và lợi ích của họ tại Mỹ”. Tổng thống Trump càng đẩy quan hệ hai nước xuống vực thẳm khi cáo buộc Bắc Kinh có kế hoạch can thiệp cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ, sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, một động thái mà Trung Quốc luôn bác bỏ.
Căng thẳng đang leo thang. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn bác bỏ khả năng Trung Quốc sẽ dùng đến lựa chọn “hạt nhân” trong cuộc chiến này. Bởi lẽ, nền kinh tế của Trung Quốc quá mong manh để họ có thể mạo hiểm làm bất cứ điều gì gây ra bất ổn.
Tính ổn định từ lâu đã là một khẩu hiệu ở Trung Quốc. Cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương nước này, rõ ràng đang lo lắng về đà suy giảm, đã bơm 175 tỷ USD vào nền kinh tế bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đây rõ ràng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang lo lắng về cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ. Những người ủng hộ lập trường cứng rắn của chính quyền Trump về thuế với Trung Quốc xem động thái như vậy như một dấu hiệu cho thấy Washington đang nắm giữ đòn bẩy đàm phán. Một chuyên gia nhận định, động thái này đang cho thấy Trung Quốc không phải là “không sợ Mỹ” như tuyên bố. “Trung Quốc có thể đang phải đối mặt giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”, chuyên gia Fraser Howie cho biết.
Liệu Trung Quốc có thể gây thiệt hại thực sự cho Mỹ bằng cách bán trái phiếu hay không”? Đó vẫn là một câu hỏi mở. “Tôi thường nói rằng Mỹ cuối cùng nắm giữ những lá bài cao ở đây: Fed là một diễn viên trên thế giới có thể mua nhiều hơn Trung Quốc có thể bán được”, Brad W. Setser, một chuyên gia kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại nói với NYTimes. Mặc dù vậy, nền kinh tế thị trường là không thể đoán trước. Rất có thể, trong 2 thập kỷ qua, đã có những cuộc đấu giá ngân quỹ mà Trung Quốc không phải là những người đấu thầu. Nhưng liệu họ có phải là nhà thầu tích cực hay không, hay các nhà thầu khác luôn phải giả định họ là như vậy?
Và trong trường hợp này, không có gì có thể chứng minh. Không có toán học để dự đoán, không có mô hình tỷ lệ. Nếu Trung Quốc sử dụng lựa chọn “hạt nhân” của mình và các thị trường không phản ứng, nó sẽ mất đi ảnh hưởng trong nền kinh tế toàn cầu. Nếu hoạt động - nhưng hiệu quả hơn dự kiến - Trung Quốc có thể gây thiệt hại ngoài ý muốn đối với nền kinh tế của chính họ theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”. Và ngay cả khi đó là một cuộc tấn công hoàn hảo, và Trung Quốc không hề hấn gì, nó vẫn sẽ rất nguy hiểm: Một cuộc tấn công nhắm vào nền kinh tế Mỹ sẽ gây hậu quả khó lường. Nếu “đám mây bụi phóng xạ” bay khắp Châu Âu hoặc các thị trường mới nổi, liệu Trung Quốc có sẵn sàng cho cuộc chiến đó không?
KHẢ ANH