Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất tạm dừng áp thuế quan mới trong 90 ngày để đàm phán, trong bối cảnh hai nền kinh thế lớn nhất thế giới đang tìm cách chấm dứt cuộc chiến thương mại đang rất căng thẳng.
Trong bữa tối được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentine hôm 1-12 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump cùng Chủ tịch Tập Cận Bình và phái đoàn quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đạt được đồng thuận rằng, các cuộc đàm phán thương mại nên được tiếp tục và cả hai nước đều nhất trí không áp đặt thuế bổ sung lên hàng hóa của nhau.

|
Tổng thống Donald Trump (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) cùng phái đoàn quan chức hai nước tại buổi tiệc tối hôm 1-12. |
"Thỏa thuận ngừng bắn" trong 90 ngày
"Tổng thống Trump nhất trí vào ngày 1-1-2019, ông sẽ giữ mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc ở mức 10%, và sẽ không tăng lên 25% ở thời điểm này", thông báo của Nhà Trắng cho biết. Đổi lại, Mỹ muốn ngay lập tức bắt đầu đàm phán về những mối lo lớn nhất của ông Trump về các hoạt động thương mại của Trung Quốc, gồm cáo buộc về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp… Sau 90 ngày, nếu Bắc Kinh không có tiến bộ nào về cải cách cơ cấu, Mỹ sẽ nâng thuế suất từ mức 10% lên 25%. Một tuyên bố phát đi từ Nhà Trắng nêu rõ: "Nếu vào cuối của kỳ hạn này, hai bên vẫn không thể đạt được một thỏa thuận, mức thuế 10% sẽ tăng lên thành 25%".
Trong khi đó, Trung Quốc cho biết đã đồng ý không áp thêm bất kỳ thuế quan mới nào sau ngày 1-1-2019. Trung Quốc cũng nhất trí tăng mua "số lượng lớn" hàng hóa nông nghiệp và công nghiệp của Mỹ để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng thương mại, ước tính lên tới 375 tỷ USD vào năm ngoái, giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Mặc dù danh sách các mặt hàng của Mỹ dự kiến được Trung Quốc mua vẫn chưa thống nhất, song Nhà Trắng cho biết Bắc Kinh đã đồng ý mua các sản phẩm nông nghiệp của nông dân Mỹ "ngay lập tức".
Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa ông Trump và ông Tập sau hơn 1 năm. Trong khoảng thời gian đó, Tổng thống Trump áp thuế bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhằm buộc nước này phải dừng những hoạt động thương mại mà Washington cho là không bình đẳng. Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế lên 110 tỷ USD hàng Mỹ. Ngay trước bữa tiệc, cả hai nhà lãnh đạo có những phát biểu rất lạc quan. "Đây là cuộc gặp tuyệt vời và rất hiệu quả, với khả năng không giới hạn đối với cả Mỹ và Trung Quốc", ông Trump nói trong một tuyên bố. "Tôi rất vinh hạnh được làm việc với Chủ tịch Tập". "Mối quan hệ của tôi với Chủ tịch Tập rất đặc biệt", ông Trump nói khi hai nhà lãnh đạo ngồi vào bàn. "Đây sẽ là lý do chính vì sao chúng tôi có thể sẽ đi đến một điều gì đó tốt cho cả Trung Quốc và Mỹ", người đứng đầu Nhà Trắng nói. Ông Tập đáp lại rằng "chỉ có hợp tác giữa chúng ta mới có thể phục vụ cho lợi ich của hòa bình và thịnh vượng toàn cầu, và đó là lý do vì sao tôi mong chờ cuộc gặp này".
Tổng thống Mỹ xác nhận thời điểm gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, cuộc gặp tiếp theo giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2-2019, đồng thời cho biết đang xem xét 3 địa điểm tổ chức sự kiện này. Trả lời báo giới trên chuyên cơ Không Lực Một trên đường trở về Mỹ sau hội nghị G20, ông Trump cho hay: "Chúng tôi đang tiến triển rất tốt. Chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp". Ông cho biết sẽ mời nhà lãnh đạo Kim tới Mỹ vào thời điểm thích hợp. Hiện giới chức Mỹ và Triều Tiên đang có các cuộc thảo luận nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp lần thứ hai giữa ông Trump và ông Kim sau cuộc gặp lần đầu tiên diễn ra ngày 12-6 vừa qua ở Singapore. T.N |
Mỹ chuyển hướng sang Nhật?
Với việc đạt được một "thỏa thuận ngừng bắn" với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc chiến thương mại, Tổng thống Trump dường như sẽ chuyển trọng tâm sang một thỏa thuận thương mại với Nhật.
"Thỏa thuận đình chiến" này xảy ra sau khi Mỹ ký Hiệp định thương mại mới với Mexico và Canada (USMCA) với các điều khoản tốt hơn cho Washington. Những diễn biến như vậy bên lề hội nghị G20 xảy ra trong bối cảnh Washington chuẩn bị bắt đầu đàm phán với Tokyo về một thỏa thuận thương mại song phương vào giữa tháng 1-2019, trong đó ông Trump quyết tâm giảm thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ. Tuyên bố ủng hộ cơ chế thương mại "công bằng" và "đối ứng", ông Trump kêu gọi giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác thương mại như Trung Quốc, Mexico và Nhật. Trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở thủ đô Argentine, ông Trump đã gọi mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật là "lớn" và "khá đáng kể", đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng sẽ nhanh chóng cân bằng (mức thâm hụt)". Trong khi các quan chức Nhật nhất quyết muốn Tokyo và Washington chỉ hướng tới một thỏa thuận thương mại song phương về hàng hóa, thì các quan chức Mỹ tập trung thúc đẩy cả vấn đề dịch vụ và thậm chí là một điều khoản để ngăn chặn phá giá tiền tệ.
Hiện các nhà phân tích đang theo dõi bằng cách nào chính quyền Trump sẽ cân bằng những tham vọng về một thỏa thuận toàn diện giống như một thỏa thuận thương mại tự do với khát vọng của ngành nông nghiệp Mỹ, khi các nước nông nghiệp khác như Australia và Canada đang tăng cường tiếp cận thị trường Nhật thông qua Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào ngày 30-12 tới. Tương tự, Nhật và Liên minh Châu Âu (EU) đang đẩy nhanh các thủ tục trong nước để sớm thực thi FTA, khiến các chủ trang trại và chăn nuôi Mỹ kém cạnh tranh hơn so với các đối tác Châu Âu về tiếp cận nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
Các nhà phân tích cho rằng trong các cuộc đàm phán với Nhật, chính quyền Trump dự kiến sẽ đòi hỏi được tăng cường tiếp cận thị trường ô-tô, cũng như thúc đẩy các nhà sản xuất ô-tô của Nhật mở rộng sản xuất tại Mỹ, nhằm giảm xuất khẩu sang nước này và tạo thêm việc làm cho người dân. Ngoài ô-tô, lĩnh vực nông nghiệp dự kiến sẽ đối mặt với các cuộc đàm phán khó khăn.
AN BÌNH