Sóng thần xảy ra sau vụ phun trào núi lửa đã tấn công không báo trước nhằm vào các bãi biển nổi tiếng quanh eo biển Sunda của Indonesia tối 22-12, khiến ít nhất 222 người thiệt mạng và 843 người bị thương.

|
Sóng thần khiến ít nhất 222 người thiệt mạng. Ảnh: AFP |
Điện thăm hỏi lãnh đạo và nhân dân Indonesia Được tin sóng thần xảy ra tối 22-12-2018 tại eo biển Sunda, giữa tỉnh Banten và tỉnh Lampung của Indonesia gây tổn thất to lớn về người và tài sản, ngày 23-12-2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi điện thăm hỏi đến Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia Zulkifli Hasan. Lãnh đạo Việt Nam bày tỏ cảm thông và gửi lời chia buồn sâu sắc tới Lãnh đạo Indonesia trước những tổn thất lớn về người và tài sản do một thảm họa thiên tai nữa gây ra, chỉ chưa đầy 3 tháng sau trận sóng thần khủng khiếp xảy ra tại tỉnh Sulawesi tháng 9 vừa qua; bày tỏ tình đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ khó khăn của nhân dân Việt Nam với nhân dân Indonesia và tin tưởng rằng nhân dân Indonesia sẽ nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi. TTXVN |
Ông Sutopo Purwo Nugroho, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Cơ quan kiểm soát và giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia, cho biết: “Con số nạn nhân thiệt mạng cho tới nay là 222 người, 843 người bị thương và 28 người vẫn còn mất tích. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng lên bởi không phải toàn bộ nạn nhân được sơ tán an toàn, không phải toàn bộ cơ sở y tế công bố thông tin về nạn nhân và không phải toàn bộ các địa điểm liên quan có dữ liệu đầy đủ”.
Sóng thần đã tấn công các khu dân cư và khu du lịch, phá hủy 558 ngôi nhà và làm hư hỏng nặng 9 khách sạn, 60 nhà hàng và 350 tàu thuyền. Ông Nugroho cho biết, cho đến nay, không có người nước ngoài nào thiệt mạng. Các nạn nhân thiệt mạng là du khách và cư dân địa phương Indonesia. “Chúng tôi vẫn đang thu thập thông tin. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là quận Pandeglang, dọc theo khu vực ven biển, bao gồm các khu dân cư và du lịch ở bãi biển Tanjung Lesung, bãi biển Lesung, Teluk Lada, Panimbang và bãi biển Carita”, ông Nugroho nói.

|
Những ngôi nhà dọc theo bãi biển Anyer bị tàn phá. Ảnh: BBC |
Các đội tìm kiếm và cứu hộ đang lùng sục đống đổ nát để tìm những người sống sót. Đoạn băng đầy ấn tượng được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một bức tường nước bất ngờ lao thẳng vào một buổi hòa nhạc ngoài trời của nhóm nhạc “Seventeen”, cuốn phăng các thành viên ban nhạc khỏi sân khấu, sau đó là khán giả. Trong một bài đăng đầy nước mắt trên Instagram, trưởng nhóm Riefian Fajarsyah cho biết tay bass và quản lý của ban nhạc đã thiệt mạng.
Hình ảnh về hậu quả của cơn sóng thần ở các khu vực ven biển cho thấy một cây bị bật gốc và các mảnh vụn vương vãi khắp các bãi biển. Một mớ hỗn độn của tấm lợp tôn, gỗ và gạch vụn kéo dài từ biển vào đất liền tại bãi biển Carita, một địa điểm nổi tiếng ở bờ biển phía tây Java.
Asep Perangkat, người đã chạy thoát khỏi bãi biển Carita cho biết anh đã ở cùng gia đình khi cơn sóng tràn qua thị trấn. “Ô-tô bị kéo lê khoảng 10m và xe container cũng vậy. Các tòa nhà ở rìa bãi biển đã bị phá hủy, cây cối và cột điện ngã xuống đất”, Perangkat cho biết. “Những người chạy vào rừng thì vẫn an toàn”, Perangkat kể.

|
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân sau vụ sóng thần ở Carita. Ảnh: AP |
Do lở đất dưới biển
Các nhà chức trách cho biết sóng thần có thể gây ra do thủy triều dâng cao bất thường trong ngày trăng tròn kết hợp với một trận lở dưới nước sau vụ phun trào của núi lửa Anak Krakatoa. “Sự kết hợp đã gây ra một cơn sóng thần bất ngờ ập vào bờ biển”, ông Nugroho cho biết, nhưng nói thêm rằng cơ quan địa chất của Indonesia đang xác định chính xác nó đã xảy ra như thế nào.
Chính quyền Indonesia ban đầu tuyên bố sóng không phải là sóng thần, mà thay vào đó là một đợt thủy triều dâng cao và kêu gọi công chúng đừng hoảng sợ. Ông Nugroho sau đó đã xin lỗi về sai lầm này trên Twitter, nói rằng vì không có động đất và vụ núi lửa Anak Krakatau phun trào cũng không lớn, đồng thời lưu ý rằng không có dư chấn đáng kể để nhận biết một cơn sóng thần đang đến nên rất khó để xác định nguyên nhân của vụ việc từ sớm. “Nếu có lỗi ban đầu, chúng tôi xin lỗi”, ông viết.
Theo Trung tâm Thông tin Sóng thần Quốc tế, mặc dù tương đối hiếm, các vụ phun trào núi lửa dưới biển có thể gây ra sóng thần do sự dịch chuyển đột ngột của nước hoặc sự cố dốc. Anak Krakatoa, một trong 127 ngọn núi lửa đang hoạt động tại Indonesia, là một đảo núi lửa nhỏ nổi lên từ đại dương sau vụ phun trào chết người năm 1883 khiến hơn 36.000 người thiệt mạng. Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa chất Indonesia, Anak Krakatoa đã có dấu hiệu hoạt động tăng cao trong nhiều ngày, phun ra những đám tro bụi hàng ngàn mét vào không khí. Cơ quan Địa chất phát hiện vào lúc 21 giờ 3 (giờ địa phương), núi lửa Anak Krakatoa đã phun trào. Sóng thần xảy ra 24 phút sau đó. “Có thể các vật chất xung quanh Anak Krakatoa đã sụp xuống biển, gây ra sóng thần, ảnh hưởng đến các bãi biển quanh eo biển Sunda”, cơ quan này cho biết. Trước đó, ngay trước 4 giờ chiều ngày 22-12, Anak Krakatoa phun trào kéo dài khoảng 13 phút, gửi những đám tro bay cao hàng trăm mét lên bầu trời.

|
Một người đàn ông than khóc sau khi xác định người thân của mình nằm trong số thi thể của các nạn nhân. Ảnh: AP |
Còn quá sớm để xác định thiệt hại
Kathy Mueller, phát ngôn viên của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế tại Indonesia cho biết, số người chết sẽ còn tăng lên. “Còn quá sớm sau thảm họa để có thể xác định, các con số sẽ dao động và sẽ mất thời gian trước khi tình hình rõ ràng hơn...”, bà Mueller cho biết. Theo bà Mueller, sóng thần xảy ra đúng vào dịp nghỉ lễ, nên “khu vực Pandeglang sẽ rất đông khách du lịch địa phương”.
Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đang cung cấp cho người dân các vật dụng gia đình cơ bản, nước sạch và thiết bị để giúp dọn dẹp các mảnh vỡ. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo, con đường chính giữa hai khu vực bị ảnh hưởng đã bị hư hại, vì vậy việc tiếp cận nơi này là một thách thức lớn.
Indonesia đã gánh chịu một loạt các thảm họa thiên nhiên trong những tuần gần đây. Hôm 28-9, một trận động đất mạnh 7,5 độ Richter và sóng thần sau đó đã xảy ra ở đảo Sulawesi. Tại các thị trấn Baleroa và Petobo, những dòng sông đất đã cuốn trôi toàn bộ khu dân cư. Số người chết lên đến gần 2.000 người. Vào tháng 10, những cơn mưa xối xả và lũ lụt đã gây ra những trận lở bùn, quét sạch một phần của một trường tiểu học ở Bắc Sumatra khiến 20 người thiệt mạng. Ngày 26-12-2004, sóng thần gây ra bởi trận động đất mạnh 9,3 độ Richter ngoài khơi bờ biển Sumatra khiến 220.000 người tại 13 quốc gia quanh Ấn Độ Dương thiệt mạng, trong đó có 168.000 người ở Indonesia.
AN BÌNH