Các nhà chức trách cảnh báo, các cơn sóng thần nguy hiểm hơn có thể tấn công bờ biển Indonesia trong những ngày tới khi ngọn núi lửa gây ra sóng thần tàn phá nước này hôm 22-12 tiếp tục phun trào.

 |
Những người may mắn sống sót sau trận sóng thần tập trung tại nơi trú ẩn tạm thời ở Tanjung Lesung trong bối cảnh núi lửa Anak Krakatoa (ảnh dưới) hiện đang hoạt động mạnh. Ảnh: CNN |
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 24-12 đã đến khu vực thảm họa. Trên Twitter ông cho biết đang cầu nguyện cho các nạn nhân.
Cho đến nay, trận sóng thần tấn công không báo trước nhằm vào các bãi biển Indonesia hôm 22-12 cướp đi mạng sống của ít nhất 373 người, làm hơn 1.400 người bị thương và hơn 120 người vẫn mất tích. AFP dẫn lời Daniel von Rege, người đứng đầu tổ chức Bác sĩ Không biên giới tại Indonesia cho biết, nhiều thi thể và người bị thương dự kiến sẽ được đưa đến các bệnh viện trên khắp khu vực trong những ngày tới. Ít nhất 558 ngôi nhà bị phá hủy, trong khi 9 khách sạn, 60 nhà hàng và 350 tàu thuyền bị hư hại nặng, dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của sóng thần đối với khu dân cư và du lịch. Không có người nước ngoài đã được báo cáo bị giết hoặc bị thương.
Hệ thống cảnh báo lỗi
Người đứng đầu Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), ông Rachelmat Triyono, cho biết, Indonesia chỉ có một hệ thống duy nhất để cảnh báo sớm động đất và sóng thần do hiện tượng động đất gây ra. Trận sóng thần ngày 22-12 tại khu vực eo biển Sunda không phải do hiện tượng động đất gây ra mà do hoạt động của núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn “thức giấc”, và đây chính là lý do trận sóng thần này không được phát hiện và cảnh báo không được ban bố kịp thời.
Trước thực trạng trên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa chất (BMKG) Indonesia mua các máy thăm dò phát hiện cảnh báo sớm động đất và sóng thần tại Indonesia. Ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia, cảnh báo có thể có thêm nhiều cơn sóng thần khi mà núi lửa Anak Krakatoa vẫn đang hoạt động. “Chúng tôi ảnh báo người dân nên thận trọng. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục phân tích nguyên nhân gốc rễ gây ra sóng thần... núi lửa Anak Krakatoa tiếp tục phun trào, có khả năng gây ra một cơn sóng thần khác”, ông Nugroho cho biết.
Ông Sutopo cũng quan ngại về mạng lưới phao cảnh báo sóng thần lỗi thời của Indonesia, vốn không hoạt động đúng kể từ năm 2012. “Hư hại, ngân sách hạn chế, thiệt hại kỹ thuật khiến việc cảnh báo sóng thần tại thời điểm này không phát huy tác dụng”, ông viết trên Twitter. Việc thiếu cảnh báo cũng là nguyên nhân khiến số người chết tăng cao trong trận sóng thần tấn công bờ biển phía tây Sulawesi hồi tháng 10, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.
Theo chuyên gia David Rothery của Đại học Mở tại Anh, trận sóng thần mới nhất này dường như là kết quả của một sự sụt lún ngầm trong lòng biển của một phần núi lửa Anak Krakatoa. Núi lửa này hình thành năm 1928 trong miệng ngọn núi lửa khác có tên Krakatoa, từng phun trào năm 1883 và cướp đi sinh mạng của ít nhất 36.000 người. Từ tháng 6, núi lửa Anak Krakatoa có dấu hiệu hoạt động mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia Richard Teeuw, Đại học Portsmouth tại Anh, lưu ý, Anak Krakatoa, nằm ở eo biển Sunda giữa các đảo Java và Sumatra, gần khu vực đông dân cư. Đây là lý do khiến ngay cả sóng thần nhỏ cũng có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho cộng đồng dân cư ven biển, đặc biệt khi cơ quan chức năng không thể cảnh báo sớm. Ông cũng ủng hộ quan điểm của chuyên gia Rothery rằng, nguy cơ về các thảm họa sóng thần mới tại eo biển Sunda này vẫn ở mức cao khi núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn “thức giấc” và có thể kéo theo các đợt sạt lở ngầm trong lòng biển. Trong tình hình hiện nay, các cơ quan chức năng Indonesia cần có các cuộc khảo sát sóng âm để lập được bản đồ đáy biển khu vực gần núi lửa. Tuy nhiên, công tác này đòi hỏi nhiều tháng để triển khai.
Lời cầu nguyện từ khắp nơi trên thế giới
Đức Giáo Hoàng Francis tổ chức lễ cầu nguyện cho các nạn nhân sóng thần tại Quảng trường Thánh Peter. “Tôi gần gũi về mặt tâm linh với những người phải di dời và với tất cả những người bị ảnh hưởng, cầu xin Chúa giải thoát đau khổ của họ. Họ luôn nhận được sự đoàn kết của chúng tôi và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập đến “sự tàn phá không thể tưởng tượng” của cơn sóng thần trên Twitter. “Chúng tôi đang cầu nguyện các bạn nhanh chóng phục hồi và chữa lành. Nước Mỹ luôn bên bạn!”, ông Trump viết. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ở Indonesia cảnh báo số người chết sẽ còn tăng lên. Tổ chức này hiện đang hỗ trợ các vật dụng gia đình cơ bản, nước sạch và thiết bị để dọn dẹp các mảnh vỡ. Chương trình lương thực thế giới của LHQ cũng sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Indonesia.
AN BÌNH