(Cadn.com.vn) - Triều Tiên ngày 3-3 bắn 6 tên lửa tầm ngắn ra bờ biển phía đông của nước này. Phía Hàn Quốc cũng đã xác nhận việc Triều Tiên bắn "một số" tên lửa tầm ngắn và đang đặt quân đội trong tình trạng báo động cao.
Việc Bình Nhưỡng bắn tên lửa chỉ vài giờ sau khi HĐBA LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt cứng rắn nhất chống lại chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un rõ ràng nhằm mục đích thị uy sức mạnh phản đối nghị quyết trừng phạt của HĐBA và chứng tỏ "Bình Nhưỡng không sợ trừng phạt". Dù trên thực tế Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản ứng chính thức nào liên quan đến việc bị trừng phạt mới nhất này, nhưng việc bắn tên lửa như thế này là câu trả lời hoàn hảo nhất của họ.
Động thái đáp trả này của Bình Nhưỡng có vẻ không có gì bất ngờ. Bởi trên thực tế, mỗi lần hứng chịu thêm lệnh trừng phạt, Bình Nhưỡng thường có những hành động chứng tỏ sức mạnh quân sự của họ nhằm chống lại bất kỳ áp lực nào từ LHQ. Lệnh trừng phạt mới nhất của HĐBA LHQ gồm 15 thành viên lần này nhằm vào Bình Nhưỡng là lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước đến nay, nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa vừa qua của Bình Nhưỡng.
Nghị quyết mới lấp đầy những lỗ hổng trong các nghị quyết trừng phạt trước đó đồng thời áp đặt thêm những biện pháp nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Trong đó, lần đầu tiên, các nước thành viên của LHQ có thể yêu cầu kiểm tra bắt buộc tất cả các hàng hóa đi hoặc đến Triều Tiên thông qua lãnh thổ của họ. Trước đây các quốc gia chỉ được làm điều này nếu họ có cơ sở hợp lý rằng, đó là hàng hóa bất hợp pháp. Tuy nhiên, người ta đã chỉ ra một số lỗ hổng, trong đó cần giải thích thế nào là hàng hóa "thích hợp để kiểm tra" và một điều khoản loại trừ xuất khẩu khoáng sản nếu doanh thu không dành cho mục đích quân sự.
Nhưng điều cần quan tâm trong nghị quyết lần này là yêu cầu nối lại các cuộc đàm phán 6 bên để tiến đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhiều nước hoan nghênh nghị quyết này, với nhận định, nó chính là điểm khởi đầu cho quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân. Rõ ràng, với nghị quyết này, Triều Tiên bị buộc phải đưa ra sự lựa chọn giữa việc tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân hay ngồi vào bàn đàm phán.
Mọi con mắt đang đổ dồn vào Nga và Trung Quốc để xem liệu họ có đủ sức để thuyết phục Triều Tiên hay không. Thực tế, để đi đến kết quả lần này, Mỹ đã có những ngày thương lượng gay cấn với Trung Quốc - đồng minh thân cận của Triều Tiên. Sau đó, Washington đề nghị HĐBA LHQ bỏ phiếu từ cuối tuần trước nhưng Moscow khẳng định cần có nhiều thời gian để nghiên cứu thêm các điều khoản trong nghị quyết. Và ngay sau khi nghị quyết được thông qua, cả Moscow và Bắc Kinh đều bày tỏ mong muốn duy nhất của họ là lệnh trừng phạt sẽ giúp nối lại ngay lập tức các cuộc đàm phán 6 bên - nơi Triều Tiên đã tuyên bố rút khỏi từ năm 2008.
Thanh Văn