Mỹ và Trung Quốc được cho là đang nỗ lực chạy đua với thời gian để sớm ký cái gọi là thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, để từ đó đi đến một thỏa thuận toàn diện chính thức chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nước. Trong tuyên bố ngày 25-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm mở lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai nước đã nhất trí trong tháng này.
Thỏa thuận giai đoạn 1 như một phần trong nỗ lực chấm dứt việc “ăn miếng trả miếng” kéo dài nhiều tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, làm đảo lộn các thị trường và đánh vào tăng trưởng toàn cầu. Theo thỏa thuận này, Washington sẽ đồng ý hạ một số thuế để đổi lấy bước tiến lớn trong việc Bắc Kinh mua nông sản của Washington. Nhưng trong khi chính quyền Tổng thống Trump tăng tốc cho thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc, đã có những nghi ngại về kẻ thua cuộc trong cuộc chiến này. Và “kẻ” được nhắm đến là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Sau chưa đầy 2 năm áp dụng thuế trừng phạt đối với một số hàng hóa trị giá 500 tỷ USD, Mỹ, Trung Quốc nhất trí về một bộ chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ, buôn bán nông nghiệp, dịch vụ tài chính và tỷ giá hối đoái. Nó đúng với những gì các nhà kinh tế gọi là thương mại được quản lý (trái ngược với tự do) - theo đó một quốc gia áp đặt các cam kết cụ thể đối với một quốc gia khác dưới hình thức thuế quan, hạn ngạch hoặc các hạn chế khác.
Nhưng khi làm như vậy, điều đáng sợ là chính quyền ông Trump đang củng cố sự quay trở lại thời kỳ tiền WTO, nơi Mỹ đạt được các mục tiêu của mình bằng cách đe dọa và áp dụng các hình phạt đối với các đối tác thay vì theo đuổi tự do hóa thương mại cùng có lợi tại bàn trọng tài như WTO. Sự phát triển này đặt ra một mối đe dọa hiện hữu đối với WTO như đã được giảng viên Harvard Craig VanGrasstek dự đoán trong cuốn sách năm 2019 của ông.
Lý do cốt lõi để WTO tồn tại là vì các quốc gia trong thập niên 1980 đã chán ngấy việc Mỹ sử dụng tràn lan một công cụ thương mại mạnh mẽ - Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974. Mục 301 là một trong những vũ khí sắc bén nhất trong kho vũ khí thương mại của cường quốc này và là công cụ mà chính quyền Reagan rất thích sử dụng để đối đầu với sự phát triển kinh tế thần kỳ của Nhật Bản. Năm 1994, một nhóm các quốc gia đã nhất trí đình công với Mỹ để thiết lập các cam kết đa phương mới về các vấn đề như thương mại dịch vụ, đầu tư nước ngoài và quyền sở hữu trí tuệ.
Đổi lại, Mỹ đồng ý đệ trình hệ thống giải quyết tranh chấp ràng buộc được một nhóm chuyên gia thương mại hỗ trợ, được gọi là cơ quan phúc thẩm WTO. Trong 25 năm, hệ thống này nắm quyền trong một thời kỳ chủ yếu là hòa bình và thịnh vượng trong quan hệ thương mại quốc tế. Nhưng bây giờ thời kỳ này lại có nguy cơ chấm dứt.
THANH VĂN