(Cadn.com.vn) - Lời nguyền “Pharaong” của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vẫn ám ảnh đất nước Ai Cập khi nước này vẫn đang chứng kiến làn sóng biểu tình lớn chưa từng có trong 2 năm qua, yêu cầu một Tổng thống được bầu cử dân chủ từ chức.
Và thảm kịch có lẽ sẽ lặp lại khi cũng giống như cuộc nổi dậy lật đổ ông Mubarak năm 2011, lần này, quân đội quyền lực ở nước này lại tỏ rõ ý định can thiệp vào chính trị. Theo đó, tướng Abdel Fattah al-Sisi, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ai Cập đã tuyên bố dành cho các phe phái chính trị nước này 48 giờ để trả lời những đòi hỏi của người dân Ai Cập hoặc chính quân đội sẽ đề xuất “lộ trình cho tương lai” đất nước. Trong bài diễn văn trên truyền hình Nhà nước Ai Cập, ông Sisi gọi các cuộc biểu tình quy mô lớn đòi đương kim Tổng thống Mohamed Morsi từ chức là một sự biểu lộ ý chí “chưa có tiền lệ” của quần chúng nhân dân xứ “Kim Tự Tháp”.
Một số nhà phân tích cho rằng, quân đội Ai Cập, dưới sức ép của phe đối lập, có thể sẽ đứng ra “phân xử” giải quyết khủng hoảng. Và rồi có thể ông Morsi sẽ phải ra đi và một cuộc bầu cử tổng thống sớm sẽ diễn ra với quân đội ở Ai Cập nổi tiếng rất quyền lực. Nhưng rồi, chính những hành động này cho thấy, quân đội lại can thiệp quá sâu, nhân tố sẽ khiến chính trường nước này thêm chao đảo. Bởi lẽ, Văn phòng Tổng thống Ai Cập đã bác bỏ tối hậu thư của quân đội và sẽ tiếp tục lộ trình hướng tới đoàn kết dân tộc.
Xét trên một khía cạnh nào đó, cuộc biểu tình của người dân đã có thành công bước đầu khi có ít nhất 6 bộ trưởng của Ai Cập đã ra đi. Mới đây nhất là Ngoại trưởng Mohamed Kamel Amr. Nhưng thiết nghĩ, thời kỳ của các cuộc đảo chính quân sự đã qua và quân đội không nên nhúng tay vào chính trường một lần nữa.
Thanh Văn