(Cadn.com.vn) - “Kẻ bán đứng” Nhà Trắng Edward Snowden đã tìm được sự ủng hộ của các nước Mỹ Latinh, song vẫn còn nhiều chướng ngại cản bước chân đến thiên đường mới của cựu nhân viên tình báo này.
Đã có 3 quốc gia Mỹ Latinh: Venezuela, Bolivia và Nicaragua chấp nhận cho Snowden tị nạn bất chấp yêu cầu bắt giữ khẩn cấp từ Mỹ. Tuy nhiên, chặng đường từ sân bay Sheremetyevo ở Moscow - nơi Snowden đang trú ngụ đến 3 nước – tuy không quá xa nhưng lại cực kỳ khó khăn - bởi vấp phải quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ.
Dù đã đưa ra lời đề nghị cho Snowden tị nạn từ hôm 6-7 nhưng cho đến nay, chính quyền Venezuela cho biết vẫn không nhận được bất cứ thông tin gì của cựu nhân viên Snowden. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Ngoại trưởng Elias Jaua cho biết: “Hiện không có cách nào liên lạc được với Snowden. Chúng tôi đang chờ tới ngày 8-7 để biết xem liệu Snowden có chấp nhận đề nghị tị nạn tại Venezuela hay không”. Vậy là thời gian cho Snowden ở Venezuela đang được đếm ngược từng giờ.
Ngoài ra, Nhà Trắng hiện cũng tuyên bố hủy bỏ tính hợp pháp, thu hồi hộ chiếu của Snowden và yêu cầu các nước không cho cựu nhân viên CIA này nhập cảnh. Theo giới chuyên gia, nếu được phép của quan chức cao cấp hoặc của hãng hàng không, một số quốc gia có thể chấp nhận cho Snowden nhập cảng. Tuy nhiên, quá trình này luôn kéo dài và rất phức tạp.
 |
Thông tin về Snowden tràn ngập trên báo chí Nga. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Venezuela, Nicaragua và Bolivia dù sẵn sàng cho Snowden tị nạn nhưng cả ba nước này không xác định liệu họ có giúp anh ta bằng cách phát hành một “tài liệu du lịch”, điều kiện cần thiết để cựu nhân viên tình báo này có thể rời Nga – quốc gia dường như đang mất hết kiên nhẫn với Snowden khi anh này cứ tiếp tục ở lỳ tại sân bay trong nửa tháng qua. Moscow cũng không thể hiện sự sẵn sàng giúp Snowden rời sân bay khi người phát ngôn Điện Kremlin Alexei Pavlov tuyên bố, vấn đề “tài liệu du lịch” của Snowden không nằm trong “kế hoạch của chúng tôi”.
Tổng thống Vladimir Putin bác bỏ yêu cầu dẫn độ của Mỹ, song cũng nói rõ, sẽ chỉ cho Snowden tị nạn nếu anh ta dừng việc tiết lộ bí mật của Nhà Trắng. Cựu nhân viên CIA này sau đó rút đơn xin tị nạn tại Nga. Vì thế, Moscow luôn coi Snowden là hành khách không mong muốn vì chừng nào anh ta còn ở lại đây, nguy cơ bế tắc ngoại giao gây thiệt hại lâu dài cho mối quan hệ “đang cài đặt lại” với Washington càng lớn.
Trung Quốc đúng khi cho Snowden ra đi vì họ không muốn làm phức tạp thêm mối quan hệ đang ấm lên với Mỹ. Nhưng chính việc này đang đẩy vụ Snowden trở thành vấn nạn ngoại giao toàn cầu. Nó không chỉ làm cho mối quan hệ của Mỹ với các nước quan trọng như Nga, Trung Quốc và Mỹ Latinh rạn nứt mà cả Châu Âu cũng “vào cuộc” qua vụ chặn máy bay Tổng thống Bolivia chỉ vì nghi ngờ có chở Snowden.
Snowden đã xin được tị nạn ở hơn 20 quốc gia (so với 21 ban đầu vì trừ Nga) nhưng nhiều nước thẳng thừng từ chối. WikiLeaks - tổ chức cũng từng tiết lộ hàng triệu tài liệu bí mật của Mỹ - giang tay giúp đỡ Snowden, song vẫn chưa đủ tầm. Theo WikiLeak, Snowden mới nộp đơn xin tị nạn đến 6 quốc gia mới, song từ chối nói rõ đó là những nước nào vì lo sợ “nỗ lực can thiệp của Mỹ”.
Washington không ngần ngại tuyên bố chỉ trích việc Hồng Kông và cả Nga đã không bắt giữ Snowden là làm “hư hỏng” mối quan hệ song phương. Nói thế để thấy rằng, Mỹ đang làm tất cả mọi cách để có thể đưa “kẻ phản bội” về nước chịu tội và cũng là cách để xóa đi nỗi hổ thẹn về vụ bê bối nghe lén rúng động toàn thế giới.
Rõ ràng, một tương lai vô định đang chờ đợi người được cộng đồng mạng tung hô là “lật mặt kẻ giả tạo” Mỹ. Có lẽ, điều cần nhất đối với Snowden lúc này là có một luật sư giỏi.
Khả Anh
Áo không “soát” máy bay Tổng thống Bolivia Tổng thống Áo Heinz Fischer ngày 7-7 cho biết, các quan chức nước này không lục soát chuyên cơ Tổng thống Bolivia Morales để tìm Snowden. Theo Reuters, một viên chức sân bay kiểm tra máy bay hạ cánh tại Vienna vì bị trục trặc vấn đề kỹ thuật nhưng “không kiểm tra chính thức”. “Điều đó có nghĩa là chúng tôi không lục soát máy bay. Theo luật quốc tế, không thể dễ dàng kiểm tra máy bay của tổng thống một nước”, ông Fischer nói. Bolivia cũng khẳng định không có việc kiểm tra nào. A.Bình |