(Cadn.com.vn) - Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ngày 8-7 bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về thỏa thuận thương mại tự do song phương mà có thể là lớn nhất trong lịch sử thế giới. Đây là cuộc đàm phán lịch sử được cho là có thể làm thay đổi cả nền kinh tế thế giới.
Vậy là, các cuộc đàm phán thương mại tự do Mỹ-EU – từng được đề xuất nhiều năm qua - cuối cùng bắt đầu nhờ vào nhu cầu bức thiết cho một sự gia tăng kinh tế trên cả hai bờ Đại Tây Dương, để chống lại những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế mới nhất và cuộc khủng hoảng nợ đang làm chao đảo EU.
Mỹ và EU vốn được cho là chiếm đến gần một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu và 1/3 dòng chảy thương mại toàn cầu. Vì thế, không có gì nghi ngờ khi Hiệp định đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) sẽ có tác động lớn không chỉ đối với hai bên mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan kinh tế toàn cầu.
Người ta ước tính, TTIP sẽ tạo ra một lợi ích trị giá hơn 100 tỷ USD hằng năm cho mỗi bên bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại, mở cửa lĩnh vực dịch vụ và thúc đẩy đầu tư. Cả hai cũng hy vọng thỏa thuận này giúp kinh tế EU tăng thêm 0,5% và kinh tế Mỹ tăng 0,4% vào năm 2027. Mặc dù con số này khá nhỏ nhưng đó là đáng kể so với tốc độ tăng trưởng chậm chạp hiện nay của hai nền kinh tế.
Mặc dù hầu hết đều rất lạc quan với TTIP, nhưng tác động rộng lớn hơn của nó trên hệ thống thương mại toàn cầu vẫn rất hỗn độn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Mỹ và EU, với sức mạnh kinh tế và thương mại, có thể định hình thương mại toàn cầu. Đó là lý do tại sao hai bên đưa ra những tiêu chuẩn hài hòa và các quy định cao trong chương trình nghị sự. Song song với các cuộc đàm phán xuyên Đại Tây Dương, Washington cũng đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do tương tự trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (TPP).
Chiến lược hai cánh sẽ mang đến cho Washington lợi thế vô đối hơn các đối tác trong việc xây dựng chế độ thương mại toàn cầu tương lai.
Thanh Văn