(Cadn.com.vn) - Tranh chấp về mua bán nhiên liệu Trung-Triều cùng Sách trắng quốc phòng gây sóng gió của Nhật Bản đổ thêm dầu vào biển lửa Đông Á.
Trong dấu hiệu căng thẳng mới nhất quan hệ Trung - Triều, Bắc Kinh tối 8-7 ban lệnh cấm các tàu cá của nước này đánh bắt cá trên các vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông của Triều Tiên (biển Nhật Bản) do xảy ra cuộc tranh cãi xung quanh các hoạt động cung cấp nhiên liệu.
 |
Tàu Hải giám Trung Quốc neo đậu gần tàu tuần tra của Nhật Bản quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters |
TRUNG - TRIỀU LẠI XÍCH MÍCH
Theo tuyên bố từ Bắc Kinh, chính quyền Bình Nhưỡng tháng trước ra quyết định, các tàu Trung Quốc hoạt động hợp pháp trên các vùng lãnh hải nước này phải mua nhiên liệu từ các nhà cung cấp Triều Tiên chứ không được tự đưa ra thỏa thuận riêng như trước. “Các chủ tàu cá và các Cty của chúng tôi cho rằng, quyết định này của Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá thông thường và sự an toàn, đồng thời gây nhiều rủi ro và nguy hiểm”, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc khẳng định.
Cũng theo Bắc Kinh, các vùng biển phía Đông Triều Tiên cũng đầy rủi ro do “diễn biến phức tạp và nhiều biến động trên Bán đảo Triều Tiên” và vì khu vực này gần Nga, Nhật, Hàn. Trên thực tế, nhiều tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động tại vùng biển của Triều Tiên và nếu không được quản lý đúng cách hoặc tổ chức tốt thì sự cố ngoại giao có thể dễ dàng xảy ra.
Căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh-Bình Nhưỡng cho dù Trung Quốc là quốc gia hỗ trợ kinh tế và chính trị quan trọng nhất của Triều Tiên. Hồi tháng 5-2013, Triều Tiên bắt giữ một tàu cá Trung Quốc ngoài khơi Hoàng Hải, khiến Bắc Kinh vô cùng giận dữ. Tàu cá này được thả 2 tuần sau đó nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc ngừng toàn bộ giao dịch và đóng băng tài khoản Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên, hành động mạnh mẽ đầu tiên của Bắc Kinh đối với người láng giềng thân cận, thể hiện sự thất vọng về việc chính quyền ông Kim Jong-Un tiếp tục đẩy mạnh phát triển chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi.
NHẬT QUAN NGẠI TRUNG - TRIỀU
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 9-7 cũng ra Sách trắng đầu tiên kể từ khi Thủ tướng “diều hâu” Shinzo Abe lên nắm quyền, cho rằng, nước này đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ một Trung Quốc quyết đoán và một Triều Tiên tiềm ẩn nhiều bất ngờ. Theo đó, Tokyo chỉ trích Bắc Kinh đang cố gắng giải quyết các cuộc xung đột lãnh thổ bằng cách phô trương lực lượng quân sự, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột nguy hiểm. Tokyo cũng lên án Bình Nhưỡng dường như bước vào một “giai đoạn mới” về sản xuất tên lửa tầm xa và chương trình vũ khí hạt nhân.
Tokyo đặc biệt lo ngại các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước đều khẳng định chủ quyền. Trong nhiều tháng qua, tàu của Nhật Bản và Trung Quốc thường xuyên “chạm mặt” quanh quần đảo tranh chấp này. Mặc dù không xảy ra đụng độ quân sự, trò chơi “mèo vờn chuột” vẫn phủ bóng đen lên mối quan hệ song phương. Sách Trắng còn cho biết, máy bay và tàu hải giám Trung Quốc liên tục xâm nhập vào lãnh hải và không phận Nhật Bản. Vì thế, Tokyo rất quan ngại việc Bắc Kinh tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực dựa trên yêu sách, hành động không phù hợp với trật tự luật pháp quốc tế hiện hành.
Thật sự, những tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc gần đây khiến một số quốc gia Châu Á quan ngại sâu sắc, nhất là các nước ASEAN và Nhật Bản - vốn có quyền lợi trực tiếp liên quan đến các đảo tranh chấp với Bắc Kinh. Đó là lý do vì sao mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ưu tiên công du đến các quốc gia Đông Nam Á kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2012.
Khả Anh