Là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê và có mặt ở thị trường nhiều quốc gia trên thế giới, thế nhưng, thương hiệu cũng như giá trị về kinh tế của ngành cà phê Việt Nam mang lại vẫn chưa cao khi đa phần sản phẩm chủ yếu xuất thô. Đó cũng là những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị giao thương các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu cà phê trong nước với các DN nước ngoài trong khuôn khổ chương trình Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3 năm 2019 diễn ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
 |
Cà phê của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu thô ra thị trường thế giới. |
Trong những năm gần đây, cà phê không chỉ là thức uống mà đã trở thành nét văn hóa của người Việt. Cùng với đó là nhiều thương hiệu cà phê cùng nhiều DN, Cty kinh doanh ngành nghề cà phê ra đời. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, theo đánh giá của Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), cà phê nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam. Hiện, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân đạt 1,4 – 1,6 triệu tấn/ năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua đạt trên 3 tỷ USD. Đến nay, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với những thị trường lớn, như: Mỹ, Đức, Italia, Tây Ban Nha... cùng các thị trường mới, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Cà phê Việt Nam mới phát triển sau năm 1975 và từ năm 1986 thì ngành cà phê Việt Nam mới thực sự phát triển. Đến nay, qua 30 năm Việt Nam đã đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê trên thế giới và cà phê Robusta Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng chiếm 60% toàn cầu. Điều đó khẳng định cà phê của Việt Nam đã có những bước tiến thành công.
Dù sản lượng và vị thế xuất khẩu như vậy, nhưng những sản phẩm chế biến sâu của các Công ty lớn cũng chỉ mới đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó 90% cà phê của Việt Nam xuất khẩu thô và giá cà phê luôn bấp bênh. Đặc biệt, trong niên vụ 2018-2019, giá cà phê rơi xuống đáy trở thành điểm bĩ cực của ngành cà phê Việt Nam.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn INTIMEX chia sẻ: “Khi chúng ta phát triển ngành cà phê “nóng” và thành công ở mức độ sản xuất thì ở góc độ giá trị, thương hiệu của cà phê Việt xây dựng chưa tương xứng với sức lao động của người nông dân... Trong khi đó, nhiều hãng cà phê trên thế giới đều lấy cà phê Việt Nam để sản xuất cà phê nhưng chúng ta bán với một cái giá rất là rẻ. Điều đó cho thấy, việc xây dựng thương hiệu của chúng ta chưa có, vấn đề xây dựng chất lượng cà phê để chúng ta tạo ra giá trị thặng dư về chất lượng còn rất là thấp. Đây là điều chúng ta hết sức quan tâm bởi đây là tương lai của một ngành nghề.
Ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng cho biết: Gia Lai là địa phương có trên 70.000 tổ chức và hộ gia đình trồng cà phê với diện tích gần 97.000ha. Năm 2019, toàn tỉnh xuất khẩu trên 180.000 tấn cà phê, kim nghạch xuất khẩu đạt 294 triệu USD, chiếm 59% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. “Dù địa phương có thể mạnh về sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên giá trị mang lại còn thấp khi chủ yếu xuất thô, hàng năm tỷ lệ chế biến đạt rất thấp. Riêng ngành cà phê sản xuất thô chiếm đến 96,5%, chế biến sâu chỉ chiếm 3,5%”, ông Thuyên cho biết thêm.
 |
Với những định hướng phát triển bền vững, thay đổi cách sản xuất truyền thống, giá trị và thương hiệu cà phê Việt sẽ thay đổi trong thời gian tới. |
Sau thời gian sản xuất “nóng” chỉ chạy theo sản lượng, ngành cà phê Việt Nam cũng đã và đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu, giá trị cũng như chất lượng. Đặc biệt các bộ, ngành Trung ương đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội, DN thực hiện các giải pháp phát triển ngành cà phê Việt Nam theo chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam khẳng định: “Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam cùng với trung tâm khuyến nông của Bộ NN&PTNT và các tỉnh đã đưa chứng nhận 4C vào (Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) cùng các chứng nhận tiêu chuẩn khác... Đến nay, đã đạt được trên 60% sản lượng cà phê Việt Nam. Cho nên đây là bước thay đổi rất lớn để nâng cao chất lượng của cà phê nhân Việt Nam lên. Bước sang thời kỳ này, Hiệp hội cà phê – ca cao xác định chúng ta cần quan tâm đến năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng chứ không phải cái thời kỳ quan tâm đến số lượng nữa”.
Câu chuyện về thương hiệu, giá trị cà phê Việt đã được nhiều doanh nghiệp thực sự quan tâm và tìm hướng đi mới cho mình với các sản phẩm chế biến sâu ra nhiều thị trường ngoài nước. Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Cty TNHH cà phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai) nói về giải pháp: Cái quan trọng là chúng ta phải làm sao tạo cho người nông dân có một điểm tựa vững chắc, tạo cho người nông dân sản xuất, trồng trọt theo hướng thân thiện với môi trường, chuyển dịch từ vô cơ sang hữu cơ để nâng cao sản phẩm của họ. Để người nông dân đồng hành cùng với doanh nghiệp trong hội nhập. “Chính phủ cần hỗ trợ thêm cho DN và nông dân, thứ nhất địa lý chỉ dẫn, truy xuất nguồn gốc mang thương hiệu Việt khi ra thị trường thế giới. Điều đó, chắc chắn thì cà phê Việt Nam trên bản đồ trên thế giới sẽ được nhiều người biết đến”, ông Hiệp kiến nghị.
Trong những năm gần đây, có thể thấy các địa phương đã chú trọng khi ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản chất lượng cao, trong đó có cà phê. Từ đó, mang lại giá trị cao cho loài cây trồng có thế mạnh này cũng như tạo nên một thương hiệu cà phê Việt. Đồng thời, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và định hướng phát triển, trong lương lai không xa ngành cà phê Việt Nam sẽ có một tương lai phát triển bền vững.
MINH TÂN